Tiểu Cần: Tập trung chăm lo phát triển toàn diện vùng có đông đồng bào đân tộc Khmer
         Tiểu Cần là huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm khoảng 33% dân số toàn huyện. Thời gian qua, huyện Tiểu Cần đã tập trung các nguồn lực chăm lo phát triển toàn diện về kinh tế - văn hóa - xã hội trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Qua đó, nhiều địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống từng bước giảm nghèo bền vững, đời sống của người dân Khmer được nâng lên, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy. 

 

anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai

Thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer

         Theo lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Tiểu Cần: thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, Huyện ủy Tiểu Cần đã lãnh, chỉ đạo triển khai kịp thời các chính sách để nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer như Chỉ thị 19-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới; Quyết định 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách có liên quan về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer. Từ đó, đã tác động tích cực, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày càng phát triển; cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư khá hoàn chỉnh, bộ mặt nông thôn khởi sắc, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer ngày càng nâng lên; khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được củng cố và phát huy; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ổn định; công tác giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực được chú trọng; công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc Khmer được quan tâm đúng mức… Cụ thể như việc thực hiện Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2023 huyện đã đầu tư xây dựng mới 05 công trình và sửa chữa 03 công trình đường giao thông nông thôn tại các xã Phú Cần, Tập Ngãi, Hùng Hòa, Long Thới, Hiếu Tử với tổng số vốn trên 13 tỷ đồng; hỗ trợ 15 căn nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở, hỗ trợ chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt cho 63 hộ, với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng; mở 10 lớp đào tạo nghề cho 265 học viên. Nhờ đó, đến cuối năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer 0,44%/năm, hiện toàn huyện chỉ còn 63 hộ nghèo dân tộc Khmer, chiếm 0,67%. Bên cạnh đó, huyện còn thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer như tổ chức họp mặt, thăm hỏi, tặng quà các chùa Phật giáo Nam tông, gia đình chính sách tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn nhân các dịp lễ, Tết với số tiền trên 200 triệu đồng; cấp phát trên 20.000 ấn phẩm báo, tạp chí, bản tin dân tộc; tổ chức cho 05 người có uy tín giao lưu, học tập kinh nghiệm tại Thủ đô Hà Nội. Công tác giáo dục, y tế vùng đồng bào dân tộc Khmer luôn được huyện ưu tiên thực hiện. Đến nay 15/15 chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong huyện đã và đang mở được 110 lớp Pali Khmer, với 2.351 học sinh và tăng sinh theo học, 100% trạm y tế trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer đều có bác sĩ khám chữa bệnh. Đặc biệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer có năng lực để bố trí các chức danh chủ chốt ở cấp ủy, chính quyền các cấp cũng được huyện quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Không những vậy, huyện còn quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ, khôi phục và duy trì các loại hình văn hóa, đáp ứng nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer phù hợp với quy định của pháp luật và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc.

anh tin bai

Huyện quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến lộ giao thông nông thôn

nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống

         Nhìn chung đến nay, bộ mặt nông thôn vùng có đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc, nhiều nhà ở được xây dựng khang trang; những con đường bê tông thẳng tắp, giúp cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa của người dân thuận tiện, thông suốt. Đồng bào Khmer đồng tình, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.

         Là một trong những hộ được thụ hưởng từ chính sách của Nhà nước, gia đình anh Thạch Chầm Rên ở ấp Sóc Cầu, xã Hùng Hòa là hộ cận nghèo, không đất sản xuất, năm 2018 được Nhà nước hỗ trợ nhà ở theo Chương trình 167 của Chính phủ. Từ khi có được căn nhà ổn định, vợ chồng anh Thạch Chầm Rên quyết tâm phấn đấu, phát triển kinh tế. Sau khi dành dụm được một số vốn, vợ chồng anh mua được đất rồi đầu tư vào nuôi bò thịt, nuôi lươn thương phẩm. Giờ đây gia đình anh không những thoát nghèo mà kinh tế gia đình cũng khá ổn định, thu nhập hàng năm khoảng 280 triệu đồng/năm. Với sự cố gắng không ngừng nghỉ, anh Thạch Chầm Rên được Hội Nông dân xã Hùng Hòa đánh giá là một trong những gương điển hình làm kinh tế giỏi trong đồng bào Khmer địa phương. Tương tự, hộ bà Thạch Luông là người già neo đơn thuộc hộ cận nghèo của ấp Cây Hẹ, xã Phú Cần, gia đình không có đất ở và nhà ở; đầu năm 2023, bà được Nhà nước hỗ trợ xây dựng căn nhà đại đoàn kết, bà phấn khởi cho biết: Có được căn nhà kiên cố tôi mừng lắm, an tâm lúc tuổi già, tôi rất biết ơn Nhà nước.

         Phấn khởi trước sự phát triển của địa phương trong thời gian qua, Đại đức Thạch Xuyên - Ủy viên Thường trực Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước huyện bộc bạch: Với sự chăm lo của cấp ủy, chính quyền địa phương đã làm đổi thay tích cực về đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào Khmer; các chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng của đồng bào Khmer luôn đảm bảo; cấp ủy, chính quyền luôn tạo mọi điều kiện giúp Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước huyện hoạt động đúng theo hiến chương và điều lệ hội cũng như pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer luôn được giữ gìn và phát huy, nhiều ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer được trùng tu, nâng cấp, giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ; công tác dạy và học ngữ văn Khmer tại các chùa cũng được quan tâm sâu sắc. Bản thân sư sẽ tích cực tuyên truyên trong sư sãi và đồng bào Khmer tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết tôn giáo, tích cực tham gia xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng quê hương Tiểu Cần ngày càng văn minh, giàu đẹp.

         Cùng tâm trạng phấn khởi đó, ông Thạch Xuân - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer chia sẻ: Từ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đã thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer; kịp thời giúp đỡ cho nhiều gia đình Khmer nghèo có đất ở, nhà ở ổn định, an tâm phát triển sản xuất, vươn lên khá, giàu; đồng bào Khmer có cuộc sống ổn định, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Qua đó, đã tiếp tục củng cố lòng tin của đồng bào Khmer đối với Đảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Riêng bản thân ông, sẽ tiếp tục cùng với địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer chấp hành và thực hiện đúng mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú; có ý thức đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá Đảng và Nhà nước; đấu tranh với các tệ nạn xã hội, các hành vi vi phạm pháp luật, tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, nhằm thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc trên địa bàn huyện.

         Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, tin chắc rằng Tiểu Cần sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện đề ra, xây dựng huyện Tiểu Cần đạt chuẩn đô thị loại IV và phấn đấu trở thành thị xã trực thuộc tỉnh trong thời gian tới./.

Bài, ảnh: Minh Tâm

image advertisement

 

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 13
  • Trong tuần: 1 602
  • Tất cả: 7264045
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TIỂU CẦN
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Tiểu Cần - Khóm 4, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh
- Chịu trách nhiệm chính:
1. Ông Lê Chí Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần, Trưởng Ban Biên tập Trang thông tin điện tử
2. Ông Trương Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, Phó Trưởng Ban Biên tập thường trực Trang thông tin điện tử
Điện thoại: 0294.3822070 - Fax: 0294.3612518. Email: tieucan@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "tieucan.travinh.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang