Tiểu Cần: Qua 5 năm xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao

          Tiểu Cần là huyện đầu tiên của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) vào năm 2018. Từ đó đến nay huyện tiếp tục huy động các nguồn lực để xây dựng huyện NTM nâng cao, với tổng kinh phí hơn 2.014 tỷ đồng, trong số này huy động sức dân đóng góp hơn 126 tỷ đồng. Thông qua nguồn lực trên, huyện đã đầu tư xây dựng hoàn thiện và nâng chất các tiêu chí huyện NTM nâng cao theo lộ trình, kế hoạch đề ra. Đến nay, có 9/9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; có 7/9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020 và 01 xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Riêng 02 thị trấn Tiểu Cần và Cầu Quan đều được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.

 

         Qua 05 năm triển khai xây dựng huyện NTM nâng cao, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện nhà đã không ngừng phấn đấu, khắc phục khó khăn, chủ động sáng tạo, điều hành linh hoạt, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác nâng chất các tiêu chí huyện NTM, xây dựng huyện NTM nâng cao. Từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tốc độ tăng bình quân 12,87%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Tổng giá trị sản xuất năm 2023 ước đạt 9.977,6 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 12,87%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 82 triệu đồng/người/năm (tăng 43,8 triệu đồng so với năm 2018), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm 1,98% (giảm 1,38% so với năm 2018).

anh tin bai

Văn phòng điều phối NTM tỉnh và các ngành liên quan

 đến thẩm tra các tiêu chí huyện NTM nâng cao

         Đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo nông thôn của huyện có nhiều đổi thay vượt bậc, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực; sản xuất phát triển, thu nhập của người dân được nâng cao; các phong trào văn hóa - thể thao, các giá trị lịch sử không ngừng được gìn giữ và phát triển; chất lượng giáo dục, y tế được đảm bảo; cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện; an ninh trật tự được giữ vững; người dân được thụ hưởng cuộc sống no ấm về vật chất, đời sống tinh thần vui tươi, tình nghĩa đồng bào gắn bó mật thiết.

         Công tác quy hoạch được tập trung rà soát và điều chỉnh theo quy định, huyện đã hoàn thành công tác quy hoạch vùng huyện, quy hoạch xây dựng chi tiết khu chức năng dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn, có quy chế quản lý và được UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt; hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng và nâng cấp đảm bảo theo chuẩn NTM nâng cao gồm có 02 tuyến Quốc lộ 54 và 60, 03 tuyến Đường tỉnh, 08 tuyến Đường huyện và hệ thống đường giao thông nông thôn tổng cộng 582,39km (trong đó có 22 tuyến đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa 80,49/80,49km được bảo trì hàng năm, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp; 60 tuyến đường trục ấp, liên ấp với 137,82/163,92km có các hạng mục cần thiết theo quy định và đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp, đạt 84,07%; có 270 tuyến đường ngõ, xóm với 219,51/234,22km được cứng hóa, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp, đạt 93,72%; có 43 tuyến đường trục chính nội đồng được cứng hóa đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm 86,55/103,76km, đạt 83,41%). Bến xe khách tại huyện đạt tiêu chuẩn loại III đã được đầu tư cải tạo, chỉnh trang để tiếp tục duy trì hoạt động phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

         Hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai phát huy hiệu quả, hệ thống trạm bơm, kênh mương thường xuyên được nạo vét, tu sửa. Qua 05 năm đã nạo vét 04 tuyến cấp I, với 108 tuyến kênh cấp II, 323 tuyến kênh nội đồng dài 403,86km, khối lượng gần 1,3 triệu m3. Nâng tổng số đến nay toàn huyện có 624 tuyến kênh, dài 836,48km (có 12 tuyến kênh cấp I, dài 99,4km; 172 tuyến kênh cấp II, dài 355,63km; 440 tuyến kênh cấp III, dài 381,45km); 05 cống đầu mối, 17 cống hở, 07 trạm bơm, 331 bọng nội đồng; xây dựng 04 trạm bơm điện, 03 cống hở, trạm bơm kênh 3 tháng 2 để điều tiết nước phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn huyện cũng như các huyện lân cận. Đặc biệt, huyện được đầu tư hệ thống kênh bê tông máng nổi, chiều dài 8,45km phục vụ cho sản xuất lúa trong cánh đồng lớn 300 ha và cống trên sông Cần Chông với 08 cửa, có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ ngọt điều tiết nước, phục vụ sản xuất trên 19.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và đảm bảo tốt cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy. Đặc biệt cống Cần Chông được tích hợp, cập nhật thường xuyên trên phần mềm cơ sở dữ liệu tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi của tỉnh; Trạm quan trắc Cầu Quan có lắp đặt thiết bị theo dõi, giám sát, thu thập dữ liệu: Quan trắc, độ mặn, cao trình mực nước.

         Hệ thống điện đầu tư phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, đảm bảo nguồn cung cấp điện cho sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội; toàn huyện có tổng số 29.469/29.494 hộ sử dụng điện, đạt tỷ lệ 99,92%, tổng số hộ sử dụng điện an toàn có 29.469/29.469 hộ, đạt tỷ lệ 100%. Đến nay lưới điện được phân phối đáp ứng cơ bản về yêu cầu kỹ thuật và được kết nối truyền dẫn liên xã, ấp với tổng số 269,096km đường dây trung áp; 1.091,071km đường dây hạ áp và 550 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng 55.154,50 kVA. Đảm bảo mỹ quan và an toàn hành lang lưới điện.

         Thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, huyện tích cực chỉ đạo Bảo hiểm xã hội huyện phối hợp các ngành đoàn thể, các xã, thị trấn đẩy nhanh công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu được lợi ích của BHYT và tham gia BHYT; đến nay, tỷ lệ người dân tham gia BHYT 103.535/108.808 người, đạt 95,15%. Toàn huyện hiện có 4/4 Trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt 100%, trong đó có 01 Trường đạt chuẩn mức độ 2 (Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT); Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3; 09 xã có 34/34 điểm trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 (09 trường THCS, 16 trường Tiểu học, 09 trường Mẫu giáo), đạt 100%, tăng 22 trường so với năm 2019, trong đó có 15 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2; huyện Tiểu Cần được UBND tỉnh công nhận huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2021 theo Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 18/02/2022.

         Hiện các chợ trên địa bàn huyện đáp ứng yêu cầu chung theo tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm, có chợ trung tâm huyện được UBND tỉnh phân hạng chợ là hạng II, có 8/9 xã có chợ đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 (riêng xã Phú Cần không có chợ). Toàn huyện có 9 xã đều có điểm phục vụ bưu chính; dịch vụ viễn thông, internet phủ khắp, hệ thống dây dẫn đường truyền thường xuyên được cải tạo nâng cấp đảm bảo phù hợp mỹ quan và chất lượng đường truyền; 100% xã đều có hệ thống truyền thanh, hệ thống loa tới các ấp đảm bảo cho công tác thông tin tuyên truyền kịp thời đến người dân trên địa bàn. Trên địa bàn huyện có 24.053 căn nhà, đạt 95,5%; không còn hộ nghèo là đối tượng gia đình chính sách khó khăn về nhà ở.  

         Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao hoạt động có hiệu quả, kết nối được hoạt động của các xã, thị trấn cũng như nhu cầu vui chơi; huyện có Quảng trường thị trấn Tiểu Cần được xây dựng hoàn thành vào cuối năm 2020, tổng diện tích là 6.243,6m2, với 09 hạng mục theo quy định và đã được lắp đặt 20 bộ thiết bị, dụng cụ thể thao ngoài trời đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tập luyện TDTT, vui chơi, giải trí cho người dân; 9/9 xã có nhà văn hóa; 69/69 ấp có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, khu thể thao, sân thể thao, có trang bị một số thiết bị cần thiết phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí để trẻ em, người cao tuổi hoạt động văn hóa, thể thao. Đến nay huyện có 24.570/25.231 hộ gia đình được rà soát đạt chuẩn gia đình văn hóa - NTM, đạt tỷ lệ 97,38%; 69/69 ấp đạt chuẩn văn hóa - NTM, đạt 100%.

anh tin bai

Ông Lê Văn Đông - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

phát biểu tại buổi thẩm định các tiêu chí huyện NTM nâng cao

         Song song với việc xây dựng kết cấu hạ tầng - xã hội, phát triển văn hóa,  huyện còn đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Quan tâm chỉ đạo ứng dụng công nghệ cao, công nghệ vi sinh, nông nghiệp sạch vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm như sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích 27,6 ha ở xã Hùng Hòa; xây dựng được vùng nguyên liệu dừa hữu cơ sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất tốt trên địa bàn 09 xã, với diện tích 2.741,63 ha,3.219 hộ tham gia thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị góp phần tăng giá trị trên cây dừa là sản phẩm chủ lực của huyện. Bên cạnh đó, còn xây dựng một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế, nổi bật như mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng với diện tích 0,45 ha ở xã Phú Cần, mô hình trồng thanh long ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và bổ sung phân vi sinh với diện tích 2,1 ha ở xã Tân Hùng. Tiếp tục thực hiện chuỗi nâng cấp giá trị cây lúa, cây dừa, cây ăn trái, đến nay 9/9 xã đều có mô hình nông nghiệp áp dụng cơ giới hóa 100% khâu làm đất, bơm tát nước, gặt lúa và 70 - 80% khâu gieo sạ, phun thuốc bằng cơ giới góp phần tăng năng suất lao động, giảm tỷ lệ hao hụt còn dưới 10%; đặc biệt nhờ áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu gom phụ phẩm của cây lúa (rơm) tăng thu nhập cho người dân 1,6 triệu đồng/ha. Đồng thời, củng cố, nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của 12 HTX nông nghiệp, với 1.369 thành viên, vốn điều lệ 6 tỷ đồng; 155 tổ hợp tác với 4.330 thành viên. Về thực hiện Chương trình OCOP, đến nay toàn huyện có 22 sản phẩm OCOP. Riêng sản phẩm Mật hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh Farm đã có mặt trên 30 tỉnh, thành phố trong nước và đã xuất chính ngạch sang các nước Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Mỹ.

         Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại dịch vụ cũng được quan tâm phát triển. Huyện có Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong và Công ty TNHH MTV Bestmate Việt Nam (100% vốn đầu tư nước ngoài) và một số nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 20.599 lao động, thu nhập bình quân từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng. Việc phát triển công nghiệp đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng lao động hoạt động trong ngành nông nghiệp giảm, lao động hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tăng dần qua từng năm, từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng gia tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, dịch vụ; tăng chất lượng, năng suất lao động trong sản xuất. Chuyển dịch cơ cấu lao động phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đáp ứng được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập trung đầu tư hạ tầng đô thị, các công trình thuộc dự án phát triển đô thị tiếp tục được triển khai như: Đường số 5; xây dựng mới và nâng cấp mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn đáp ứng tiêu chí đô thị loại IV; Đường huyện 13 kéo dài từ giáp Đường huyện 9, xã Tập Ngãi đến giáp tuyến tránh Quốc lộ 60, xã Phú Cần; mở rộng bãi rác xã Tân Hòa và Kè chống sạt lở sông thị trấn Tiểu Cần, tuyến Quốc lộ 54 - Quốc lộ 60; xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi. Đến nay thị trấn Tiểu Cần đạt tiêu chí đô thị loại IV; thị trấn Cầu Quan đạt tiêu chí đô thị loại V.

anh tin bai

Một góc Trung tâm huyện Tiểu Cần

         Nhằm tạo vẻ mỹ quan về môi trường, đến nay huyện đã phát động Nhân dân trồng gần 31.614 cây hoa, kiểng trên các Quốc lộ, Tỉnh lộ, Hương lộ và xây dựng được 27 tuyến đường xanh - sạch - đẹp, dài 45,53km,… góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn. 100% số xã, thị trấn đều có hợp đồng thu gom và được xử lý đúng quy định đảm bảo vệ sinh môi trường; các tuyến đường làng, ngõ xóm, kênh mương, ao hồ và các khu vực công cộng được thực hiện vệ sinh môi trường thường xuyên, sạch sẽ, thông qua toàn hệ thống chính trị và Nhân dân triển khai thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 28/12/2016 và Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 19/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; hàng năm huyện có ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện, định kỳ có tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện; có 218,31/244,41km đường liên xã, liên ấp có hệ thống đèn chiếu sáng, đạt 89,3%. Số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó hộ sử dụng nước sạch đạt 82,46%; huyện01 làng nghề bó chổi có phương án bảo vệ môi trường theo quy định.

         Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trong những năm qua luôn được giữ vững ổn định. Hằng năm, Huyện ủy có Nghị quyết, UBND huyện có kế hoạch chỉ đạo lực lượng Công an thực hiện có hiệu quả các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; có sử dụng camera phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Kết quả từ năm 2019 đến nay, trên lĩnh vực phong trào lực lượng Công an đã xây dựng mới 01 mô hình, 01 câu lạc bộ, nhân rộng mới 04 Câu lạc bộ tự quản về an ninh trật tự, nâng tổng số đang quản lý 13 loại mô hình, với 84 câu lạc bộ tự quản về an ninh trật tự và 1.076 tổ tự quản, qua đánh giá đều hoạt động tốt, góp phần kéo giảm tình hình tội phạm về trật tự xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật; không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài; không có công dân cư trú trên địa bàn phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm các tội về xâm hại trẻ em; không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội; các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật khác được kiềm chế, kéo giảm so với các năm trước.

Bài, ảnh: Hồng Phong - Thúy Vân

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement

 

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 59
  • Trong tuần: 1 967
  • Tất cả: 7263972
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TIỂU CẦN
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Tiểu Cần - Khóm 4, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh
- Chịu trách nhiệm chính:
1. Ông Lê Chí Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần, Trưởng Ban Biên tập Trang thông tin điện tử
2. Ông Trương Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, Phó Trưởng Ban Biên tập thường trực Trang thông tin điện tử
Điện thoại: 0294.3822070 - Fax: 0294.3612518. Email: tieucan@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "tieucan.travinh.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang