Tiểu Cần: Tăng cường các giải pháp phòng trừ sâu đầu đen trên cây dừa
          Sâu đầu đen là loài sâu hại khá phổ biến, lây lan rất nhanh và gây hại nghiêm trọng trên cây dừa. Tại huyện Tiểu Cần, sâu đầu đen xuất hiện vào khoảng tháng 9/2021 đến nay với diện tích bị thiệt hại khoảng 20 ha, chủ yếu tại địa bàn 02 xã Tân Hòa và Long Thới.

         Ông Trần Văn Quân - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiểu Cần cho biết: Hiện tại, sâu đầu đen hại dừa chỉ mới xuất hiện nhiều tại ấp Cao Một, xã Tân Hòa và ấp Trinh Phụ, xã Long Thới; nhưng dự báo mức độ thiệt hại là rất nghiêm trọng. Qua khảo sát thực tế tại ấp Cao Một (xã Tân Hòa) có 18 hộ với diện tích 8,4 ha dừa trong giai đoạn sinh trưởng và đang cho trái bị sâu đầu đen tấn công với mức độ thiệt hại dưới 30% là 1,2 ha; từ 30 - 70% là 4,5 ha và thiệt hại trên 70% là 2,7 ha. Còn tại ấp Trinh Phụ, xã Long Thới cũng có gần 20 hộ trồng dừa bị sâu đầu đen gây hại với diện tích 11,2 ha; trong đó, mức độ thiệt hại dưới 30% là 5,9 ha, từ 30 - 70% là 4,15 ha và thiệt hại trên 70% là 1,15 ha…

Sâu đầu đen tấn công, gây hại dừa tại ấp Trinh Phụ, xã Long Thới, với diện tích hơn 11 ha

         Sâu đầu đen thường tấn công từ mặt dưới của tàu lá dừa, sau đó ăn dần lên bên trên tàu lá, rồi di chuyển đến các tàu lá non, làm cho tàu lá bị khô héo. Sâu đầu đen còn tấn công cả biểu bì và vỏ trái dừa non. Tuy nhiên, khi bị động sâu đầu đen nhanh chóng chui vào tổ hoặc thả tơ xuống đất để ẩn nấp; chính vì vậy việc phun thuốc phòng trừ loài sâu này gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như cây dừa đang cho trái bị sâu đầu đen gây hại thì năng suất có thể giảm từ 50 - 70% do sự sụt giảm về số lượng cụm hoa, tăng tình trạng rụng trái non, thân cây bị co thắt lại và chậm phát triển.

         Để chủ động phòng ngừa và ngăn chặn sâu đầu đen lây lan, tấn công, gây hại trên cây dừa; ông Trần Văn Quân - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiểu Cần khuyến cáo người trồng dừa thực hiện tốt một số giải pháp như: Thường xuyên thăm vườn và quan sát thật kỹ các tàu lá có dấu hiệu bị cháy khô để kịp thời phát hiện và thực hiện biện pháp phòng ngừa. Khi phát hiện tàu lá có ấu trùng (sâu non) thì nên cắt tỉa phần lá bị sâu gây hại, sau đó đem đi đốt hoặc vùi xuống nước nhằm làm giảm mật số sâu hại, vừa an toàn cho người và môi trường; đồng thời bón phân cho cây với liều lượng cân đối, nhiều lần trong năm, để bổ sung thêm dưỡng chất, giúp cây sớm phục hồi và phát triển. Bên cạnh đó, bà con có thể sử dụng một số chế phẩm sinh học như: Bt (Bacillus) với liều lượng từ 80 đến 100 ml pha với 20 lít nước, phun đều trên lá; phun định kỳ từ 7 - 10 ngày/lần. Bà con cũng có thể sử dụng chế phẩm sinh học Nấm xanh với liều lượng 100 gram pha với 50 lít nước, phun ướt đều trên lá và phun định kỳ từ 7 - 10 ngày/lần. Cả 02 chế phẩm sinh học Bt (Bacillus) và Nấm xanh rất có hiệu quả khi phát hiện cây dừa mới bị sâu đầu đen tấn công và gây hại, vừa an toàn đối với người và môi trường xung quanh. Ngoài ra, bà con còn có thể dẫn dụ hoặc thả thêm kiến vàng, bọ đuôi kìm vàng để tiêu diệt sâu đầu đen. Đây là 02 loại thiên địch có hiệu quả cao trong việc khống chế mật số sâu đầu đen, nhằm hạn chế thấp nhất sự lây lan sang các vườn lân cận.

         Cùng với biện pháp sinh học để phòng ngừa, tiêu diệt sâu đầu đen; bà con có thể sử dụng thuốc Takumi 20WG, với liều lượng 02 gói 8 gram/bình 25 lít để phun xịt khi thấy sâu đầu đen vừa xuất hiện trên cây dừa. Tuy nhiên, do diện tích trồng dừa phân bố rải rác tại các khu dân cư nên việc sử dụng thuốc hóa học sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Do đó, để quản lý, phòng trị sâu đầu đen hại dừa một cách hiệu quả nhất thì bà con nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học hoặc thuốc có chứa hoạt chất ít độc cho môi trường để bảo vệ thiên địch, hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng, tạo ra sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường.

         Được biết, hiện nay trên địa bàn huyện Tiểu Cần có khoảng 5.500 ha đất trồng dừa; trong đó trồng tập trung hơn 4.000 ha và trồng phân tán khoảng 1.500 ha. Đáng chú ý là huyện đã xây dựng được mô hình dừa hữu cơ ở xã Tân Hòa, với diện tích hơn 221 ha, có 202 lượt hộ dân tham gia; đồng thời đang nhân rộng mô hình ra các xã Tập Ngãi, Tân Hùng và Ngãi Hùng, với diện tích hơn 245 ha, có 479 hộ tham gia. Hiện tại, cây dừa được xem là nguồn thu nhập chính của rất nhiều hộ gia đình ở nông thôn và đã góp phần rất lớn vào tổng giá trị kinh tế hàng năm của địa phương. Do đó, các hộ trồng dừa cần chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng trừ sâu đầu đen gây hại trên cây dừa, tránh để lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề sinh kế và thu nhập của bà con trong những năm tiếp theo.

 Bài, ảnh: An Oanh

image advertisement

 

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 90
  • Hôm nay: 1876
  • Trong tuần: 31 933
  • Tất cả: 7220451
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TIỂU CẦN
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Tiểu Cần - Khóm 4, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh
- Chịu trách nhiệm chính:
1. Ông Lê Chí Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần, Trưởng Ban Biên tập Trang thông tin điện tử
2. Ông Trương Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, Phó Trưởng Ban Biên tập thường trực Trang thông tin điện tử
Điện thoại: 0294.3822070 - Fax: 0294.3612518. Email: tieucan@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "tieucan.travinh.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang