Lịch sử Đảng bộ huyện Tiểu Cần

HUYỆN TIỂU CẦN TỪ NĂM 1930

ĐẾN CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945

-----

 

         Từ năm 1930 đến năm 1945, Tiểu Cần vẫn là một quận trong năm quận trong năm quận của tỉnh Trà Vinh. Địa giới của quận vẫn ổn định như mới thành lập (năm 1928): về mặt hành chính, lúc này huyện Tiểu Cần được phân chia thành 8 xã trên cơ sở 8 làng trước đây. Đó là các xã: Đại Mong, Đại Cần, Quảng Dã, Tập Ngãi, Tiểu Cần, Trinh Phụ, Hiếu Tử và Long Định. Tổ chức bộ máy chính quyền của mỗi xã là “Hội đồng hương chức” (thường gọi là “Ban hội tề” hoặc “tề xã”). Mỗi Hội đồng hương chức có 11 thành viên, thường gọi là những hương chức trưởng (Senirototable), phần lớn được chọn những người giàu trong xã, làm việc theo nhiệm kỳ 3 năm. Các phẩm ngạch trong Hội đồng hương chức gồm có:

         1- Hương cả, người đứng đầu hội đồng, giữ các văn thư của xã, chủ tọa các cuộc họp của Hội đồng hương chức.

         2- Hương chủ: Người phụ tá cho Hương cả, thay mặt Hương cả khi Hương cả vắng mặt.

         3- Hương sư: Cố vấn cho hương cả, hướng dẫn cho dân biết các luật hiện hành.

         4- Hương trưởng: Người giữ ngân sách của xã và kiểm tra hoạt động của các thành viên trong hội đồng hương chức.

         5- Hương chánh: Người xem xét và giải quyết các xích mích, kiện tụng trong xã.

         6- Hương giáo: người làm thư ký của Hội đồng hương chức.

         7- Hương quản: người coi sóc việc giao thông công chánh và giám sát việc giải quyết các tranh chấp.

         8- Hương bộ: người giữ kho tàng và giữ các sổ sách của xã.

         9- Hương thân: người thi hành các việc xét xử trong xã theo quyết nghị của Hội đồng hương chức.

         10- Xã trưởng: Người giữ ấn tín của xã, chịu trách nhiệm thu thóc trong xã rồi nộp lên quận.

         11- Hương hào: người theo dõi, duy trì trật tự an ninh trong xã theo quyết định của Hội đồng hương chức.

         Ngoài ra, còn một số người cũng được gọi là hương chức trưởng nhưng không là thành viên của Hội đồng hương chức, có chức danh là “chánh lục bộ”, phụ trách các công việc liên quan đến hộ tịch của xã.

         Nằm trong bối cảnh chung của Trà Vinh và Nam bộ, tình hình kinh tế - xã hội ở Tiểu Cần từ năm 1930-1945 có nhiều biến động. Trong những năm từ 1930-1945 do hậu quả của khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản thế giới nên thị trường lúa gạo bị sa sút, sản xuất nông nghiệp đình đốn, đời sống nông dân Tiểu Cần thiếu thốn và đói khổ hơn trước. Hoạt động buôn bán ở các chợ và các bến tàu trở nên thưa thớt, nghèo nàn. Sau năm 1935, nền kinh tế thế giới và kinh tế nước Pháp phục hồi dần và tiếp tục tăng trưởng, thị trường thế giới có nhu cầu cao về lúa gạo, do đó sản xuất nông nghiệp ở Tiểu Cần cũng như ở Trà Vinh và Nam bộ được khôi phục và phát triển thêm. Trao đổi buôn bán tại các chợ ở Tiểu Cần trở lại tấp nập, đặc biệt là bến tàu Mặc Bắc hưng thạnh nhanh, trở thành một khu trung chuyển hàng hóa lớn của miền Tây Nam lúc đó. Vào thời điểm này, Mặc Bắc - Cầu Quan là một bến trạm quan trọng thuộc công ty vận tải đường sông liên quốc gia (Mỹ Tho - Nam Vang) của Pháp (Tránpats des mesageres fluviales). Đồng thời với những biến chuyển trên lĩnh vực sản xuất tiểu thủ nông nghiệp và thương mại là những biến chuyển trên lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp, trong đó nổi bật nhất là các nghề chế biến lương thực, thực phẩm như làm bún, các loại bánh kẹo, ép mía nấu đường (có nhiều cơ sở ép mía bằng trục kéo cải tiến, sử dụng sức kéo trâu bò),…

         Mặc dù từ sau năm 1935, các hoạt động kinh tế ở Tiểu Cần có phát triển hơn trước, nhưng đời sống của nông dân vẫn không được cải thiện. Địa chủ phản động và chính quyền thực dân ra sức vơ vét và bòn rút của nông dân cho đầy túi tham và phục vụ cho chiến tranh. Trong điều kiện xã hội như trên, cơ sở một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu và què quặt, lúa gạo mà người nông dân làm ra đã bị nhiều hạng người gian xảo xâu xé bóc lột như: Địa chủ cướp đoạt bằng tô, tức cống phẩm; từng khạo và bao hóa ăn chặn bằng nhiều mánh khóe; tư thương bóp nặn (bằng các thủ đoạn mua lúa non với giá rẻ, bán chịu hàng tiêu dùng với giá cao, cho vay nặng lãi. Chính quyền đặt ra nhiều loại thuế khóa… vào năm 1933 thuế đinh một suất tương đương 100kg gạo, địa tô từ 4-7 giạ một công tùy theo loại đất). Trong các đối tượng bóc lột áp bức nông dân thời kỳ này bọn địa chủ phản động là người có nhiều thủ đoạn thâm độc, nhẫn tâm nhất. Hầu như địa chủ trực tiếp chi phối toàn bộ đời sống sinh hoạt xã hội ở nông thôn. Thời điểm này ở Tiểu Cần có 91 hộ địa chủ chiếm trên 80% ruộng đất trong huyện. Chúng vơ vét của cải và sức lao động của nông dân đến mức cạn kiệt bần cùng. Cảnh ở đợ hết đời cha đến đời con, tan nhà nát cửa, bỏ xứ sở ra đi, thậm chí người chết không đất để chôn, gia đình phải chầu rượu xin được chôn nhờ trong đất điền chủ ngay trên diện tích mà họ đang trực canh khai phá diễn ra khắp nơi. Trong khi đời sống của nông dân cơ cực như vậy thì địa chủ phản động và những phần tử tay sai thực dân sống xa hoa lãng phí, dùng của cải bóc lột dân nghèo lo lót mua chuộc chức quan, xây dựng dinh thự đồ sộ như tên Hội đồng Mỹ và dâm ô trụy lạc, đầy thú tính như tên Lô Răng Trí. Ngoài các hình thức bóc lột khác, hắn còn lệnh dân trong điền ai có con gái đẹp đồng trinh bắt buộc phải giao nộp cho hắn hưởng thụ, nếu không sẽ bị thu hồi ruộng đất đuổi ra khỏi điền,… Không chịu nổi cảnh áp bức bất công, có nhiều nông dân kháng cự lại quyết liệt với bọn địa chủ phản động, điển hình như: Truyện hai anh em ông Trương Văn Ngỡi, Trương Văn Lư ấp Chánh Hội lấy cây “mác vót” mài bén cặm giữa đống lúa và chỉ vào mặt bọn từng khạo của Lô Răng Trí: nếu bọn mày xúc lúa tới ngả cây mác kia là tao sẽ chém đứt đầu; và chuyện ông Bùi Văn Hóa ở ấp Chánh Hội bị xúc hết đống lúa mà gia đình dùng lao động cực khổ cả năm buộc ông phải chạy vào nhà lấy cây “phản” và la lớn rằng: tao sẽ liều mạng với bọn mày. Ông rượt chém bọn từng khạo bỏ chạy tán loạn… Đời sống nông thôn Tiểu Cần thời kỳ này đầy dẫy những bất công, mâu thuẫn và đối kháng, son bao trùm lên tất cả là mâu thuẫn giai cấp: Một bên là tư bản thực dân Pháp xâm lược và các loại tay sai, một bên là các tầng lớp nhân dân lao động nghèo khổ. Trong bối cảnh ấy, ngọn lửa yêu nước vẫn không ngừng cháy và đồng bào các dân tộc Tiểu Cần vẫn liên tục đấu tranh. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh của đồng bào các dân tộc Tiểu Cần từ sau năm 1930 đã được sự hướng dẫn bởi ánh sáng cách mạng tiên tiến của thời đại và được sự lãnh đạo trực tiếp của các tổ chức Đảng Cộng Sản Việt Nam trên vùng đất Trà Vinh.

         Ngày 03 tháng 02 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Cũng vào mùa xuân này, 03 chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở Trà Vinh, đó là chi bộ An Trường, chi bộ Mỹ Long, chi bộ Tỉnh lỵ Trà Vinh. Những sự kiện quan trọng này đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần quật khởi của đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh, trong đó có Tiểu Cần. Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ này, ba trung tâm của cao trào cách mạng 1930-1931 đã bùng lên ở quận Càng Long, quận Cầu Ngang và thị xã Trà Vinh. Vùng đất Tiểu Cần nằm trong quĩ đạo của Trung tâm Càng Long và trung tâm thị xã Trà Vinh. Từ mùa hè năm 1930, lính địch thường xuyên huấn luyện trên đường thuộc địa số 3 và triển khai các hoạt động do thám trong dân cư, nhưng trên địa phận Tiểu Cần vẫn thường xuyên xuất hiện những truyền đơn cách mạng kêu gọi và cổ vũ đấu tranh theo các khẩu hiệu:

-         Dân cày có ruộng.

-         Giảm tô, giảm tức, bỏ công lễ.

-         Nam nữ bình quyền.

-         Đảng Cộng sản muôn năm.

-         Ủng hộ liên bang Xô Viết.

-         ….

         Cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 1930, nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động (1 tháng 5), ven đường thuộc địa số 3 ở chợ, công sở, trường học, nhà thương,.v.v… trên đấu Tiểu Cần đã xuất hiện cờ đỏ búa liềm và truyền đơn với những khẩu hiệu:

-         Đảng Cộng sản muôn năm.

-         Tinh thần ngày 1 tháng 5 muôn năm.

-         Đả đảo địa chủ bóc lột tô tức.

-         Chống phạt vạ vô lý.

-         Đình bức thuế thân.

-         Giảm thuế cho dân nghèo.

-         Chia ruộng đất cho dân nghèo.

-         Chia ruộng đất cho nông dân.

-         v.v…

         Tháng 6 năm 1930, cuộc đấu tranh của lao động ngành xe đò tỉnh Trà Vinh diễn ra trong cuộc đình công kéo dài 05 ngày. Tiểu Cần lúc này có tuyến xe đò chạy qua và có một bến xe đò ở gần Bưu điện, kế chợ. Cuộc đấu tranh của lao động ngành xe đò đã diễn ra khá quyết liệt, lôi cuốn cả sự tham gia của phu khuân vác, thợ đánh xe ngựa, người đạp xích lô, v.v… và cả những tiểu thương, tiểu thủ, v.v… Cuộc đấu tranh ở Tiểu Cần đã góp phần đáng kể vào thắng lợi chung của cuộc đấu tranh của lao động toàn ngành xe đò tỉnh Trà Vinh lúc đó buộc Landron, Tỉnh trưởng Trà Vinh phải nhượng bộ, v.v…

         Đầu tháng 7 năm 1930, chính quyền thực dân tại Trà Vinh ra sức tuyên truyền cho lễ kỷ niệm quốc khánh Pháp (14 tháng 7), ở Tiểu Cần cũng như toàn Trà Vinh đã diễn ra làn sóng phản đối rất mạnh mẽ. Chính quyền thực dân phải thú nhận điều này thông qua báo cáo của Tỉnh trưởng Trà Vinh gởi Thống đốc Nam kỳ ngày 12 tháng 7 năm 1930.

         “Tôi hân hạnh báo với Ngài là một cuộc rải truyền đơn kêu gọi nông dân và học sinh tẩy chay ngày lễ dân tộc 14 tháng 7 đã diễn ra ở các trung tâm chính của tỉnh Trà Vinh trong đêm 11 đến 12 tháng 7”.

         Các truyền đơn được nhặt ngày 11 vào lúc 20 giờ ở Càng Long, trên đường hàng Sứ gần nhà trường; ngày 12 vào lúc 6 giờ gần trường học của tỉnh lỵ; ở Tiểu Cần vào lúc 7 giờ gần trường học và trên con đường Mathad;…

         Đầu tháng 8 năm 1930, đồng bào các dân tộc ở Tiểu Cần đã tham gia nhiều cuộc mít tinh để hưởng ứng và ủng hộ cao trào đấu tranh của đồng bào Càng Long. Những người dự mít tinh mang theo cờ đỏ búa liềm, biểu ngữ và hô vang các khẩu hiệu:

-         Đả đảo thực dân Pháp.

-         Đả đảo quan làng địa chủ.

-         Hoan nghênh Đảng Cộng sản.

-         Ủng hộ liên bang Xô Viết.

-         V.v… 

         Khi cuộc đấu tranh của đồng bào Càng Long bị địch khủng bố dã man, một số chiến sĩ cách mạng từ Càng Long phải tạm lánh sang các vùng lân cận… Tại Tiểu Cần, số chiến sĩ này đã được che giấu ngay trong nhà dân hoặc trong đình chùa. Khi quân thù ruồng bố, có gia đình đã đốt cả đống rơm, nhà bếp, v.v… để làm kế nghi binh. Ở một số xã, cả thành viên Hội đồng hương chức cũng tự nguyện chăm sóc và chở che chiến sĩ cách mạng, như xã Long Thới, xã trưởng lúc đó là Nguyễn Văn Ở đã nuôi giấu một số chiến sĩ cách mạng trong nhà mình, sau đó làm giấy tờ tùy thân cho các chiến sĩ này che mắt địch mà hoạt động. Chính quyền thực dân đã đánh hơi thấy hiện tượng này, Tỉnh trưởng Trà Vinh Landron đích thân đi thị sát địa bàn. Landron đã vào tận những ngôi chùa Khmer để tuyên truyền, khuyến dụ sư sãi chống lại cách mạng. Thủ đoạn này được phơi bày trong chính bản báo cáo mà Tỉnh trưởng Trà Vinh gởi Thống đốc Nam kỳ ngày 9 tháng 8 năm 1930: “… Trong dịp đi công du ở các làng trong tỉnh, tôi đã ghé thăm nhiều chùa  Khmer… Tôi có khuyên các nhà sư dùng uy tín của mình đối với các tín đồ, ngăn chặn họ đi theo những người cộng sản quấy rối và nói cho các nhà sư hiểu nguy hại của lý thuyết cộng sản…”.

         Thực tế lịch sử đã cho thấy, quân thù dù có mưu mô xảo quyệt tới đâu, cũng không thể ngăn chặn được ngọn lửa yêu nước của đồng bào các dân tộc Tiểu Cần. Trên địa bàn này, các cuộc đấu tranh cách mạng cứ liên tục diễn ra. Hình thức đấu tranh ngày thêm quyết liệt: Không chỉ rải truyền đơn, treo cờ Đảng, căng biểu ngữ, che giấu cán bộ cách mạng hoặc hiên ngang giáp mặt với địch trong những cuộc mít tinh, biểu tình, v.v… mà đã phát triển thành vũ trang tự vệ hoặc bao vây uy hiếp quân thù. Đã diễn ra nhiều vụ nông dân đấu tranh với địa chủ bao vây, bắt trói từng khạo bao hóa để hỏi tội, v.v…

         Tiểu Cần đã có những đóng góp đáng kể trong cao trào cách mạng 1930-1931 ở Trà Vinh cùng cả nước. Cao trào cách mạng này chính là bước thể nghiệm đầu tiên về sự khơi dậy những tiềm năng cách mạng to lớn và truyền thống đoàn kết, quật khởi của đồng bào các dân tộc Tiểu Cần dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Tuy nhiên, lực lượng cách mạng lúc đó còn rất non trẻ, kẻ thù đã tập trung mọi nỗ lực quân sự và thủ đoạn chính trị để khủng bố một cách rất dã man. Từ cuối năm 1931, phong trào cách mạng ở Tiểu Cần cũng như Trà Vinh và cả nước phải tạm lùi. Cách mạng đi vào thoái trào, nhưng những chiến sĩ cộng sản vẫn kiên nhẫn tìm kiếm phương thức hoạt động mới trong niềm lạc quan tin tưởng vào tiền đồ cách mạng. Ý Đảng hợp với lòng dân và ngọn lửa yêu nước đồng bào các dân tộc Tiểu Cần luôn cháy sáng. Người nông dân Tiểu Cần vẫn tìm mọi cách để che giấu cán bộ cách mạng; bí mật rải truyền đơn và lưu hành tài liệu, báo chí cách mạng, v.v… Từ cuối năm 1933, có một số đảng viên cộng sản thoát khỏi nhà tù đế quốc tìm cách trở về địa phương hoạt động, góp phần nối lại những đường dây liên lạc của cách mạng và gầy dựng lại các phong trào đấu tranh chống lại quân thù. Vào thời kỳ này, đồng chí Trần Văn Giàu (Ủy viên xử ủy Nam kỳ) và một số đồng chí thuộc đặc khu ủy Hậu Giang cùng với các đồng chí thuộc Đảng bộ Trà Vinh như Nguyễn Kim Tiền, Nguyễn Văn Thuận, Phan Văn, Huỳnh Văn Vĩ, Lê Văn Muối, Nguyễn Thành Thi, v.v… đã phối hợp công tác có hiệu quả trong sự giúp đỡ tận tình của đồng bào Việt - Khmer - Hoa trên địa bàn Càng Long - Tiểu Cần. Đồng thời, những hoạt động của các đồng chí này đã hỗ trợ tích cực cho quá trình khôi phục phong trào cách mạng ở Tiểu Cần - Càng Long nói riêng và Trà Vinh nói chung.

         Bước chuyển mới của phong trào cách mạng ở Tiểu Cần đã thực sự diễn ra từ cuối năm 1934. Những cuộc đấu tranh của đồng bào hướng vào các mục tiêu đòi bỏ thuế cho tá điền, bỏ thuế cho người buôn bán nhỏ, bỏ lệ đi làm xâu, chống lục soát nhà dân, chống bắt người vô cớ, v.v… Những cuộc đấu tranh ấy đã tạo đà cho sự phát triển lực lượng, tập dượt các hình thức đấu tranh, chuẩn bị trực tiếp cho cao trào cách mạng mới trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939). Đó là thời kỳ phong trào đấu tranh của đồng bào các dân tộc Tiểu Cần diễn ra rất sôi nổi và được tiếp thêm thông tin từ nhiều loại báo chí bằng tiếng Việt và tiếng Pháp như: Phổ thông, Việt dân, Lao động mới, Le Peuple (Dân chúng), L’Arant Garde (Tiền phong), v.v…cùng với những truyền đơn mang nội dung hướng dẫn đấu tranh rất thiết thực và cụ thể như:

         Hỡi các bạn dân cày.

         Hỡi những người vô sản.

         Chúng ta làm việc cực nhọc mà không đủ tiền để vợ con chúng ta may quần áo. Suốt cả năm, chúng ta ra sức làm giàu cho chủ nghĩa tư bản và bọn chủ lớn.

         Ấy thế mà Chính phủ không chịu giảm thuế thân cho những người dân vô sản, vẫn bắt họ nộp mỗi năm 4 đồng rưỡi, trong khi những người giàu có với những vựa thóc tràn đầy, chỉ phải nộp hơn chúng ta một đồng.

         Vì vậy, chúng ta hãy đứng lên đòi những khẩu hiệu sau:

1-    Dứt khoát không nộp thuế thân để phản đối sự bất công đó.

2-    Đả đảo chế độ hành chính áp dụng cho người dân bản xứ.

3-    Mặt trận dân chủ muôn năm.

4-    Đả đảo chủ nghĩa đế quốc Pháp.

5-    Ân xá hoàn toàn cho tù chính trị.

                                                               Ký tên

                                                               Dân chúng Trà Vinh

         Như vậy là phong trào cách mạng ở Tiểu Cần trong những năm từ 1936-1939 đã tích cực kế thừa tinh thần quật khởi của cao trào cách mạng (1930-1931) và vận dụng được nhiều kinh nghiệm đấu tranh từ những năm thoái trào (1932-1933) và khôi phục phong trào (1934-1935) để tiếp tục mở rộng tập hợp lực lượng và tập dưới nhiều hình thức đấu tranh, để nâng cao nhận thức chính trị và chuẩn bị cho bước phát triển mới của cách mạng.

         Sau khi giai đoạn 1936-1939, Tiểu Cần đã có lực lượng chính trị của quần chúng hùng hậu và những điển hình ưu tú của lực lượng này đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam như Kiều Văn Ngọc, Hai Nghiễm (chợ Tiểu Cần), Huỳnh Ánh Sáng (xã Tập Ngãi). Nhưng Tiểu Cần chưa có được một chi bộ cộng sản độc lập của mình, và những đảng viên nêu trên vẫn sinh hoạt với các tổ chức cơ sở Đảng ở Càng Long và tỉnh lỵ Trà Vinh. Do đó, hướng bồi dưỡng và phát triển Đảng ở Tiểu Cần lúc này còn gặp khó khăn và hạn chế. Chính vì vậy, tại hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh vào tháng 6 năm 1940 vấn đề này đã được đưa ra thảo luận kỹ cùng với việc triển khai công tác chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Tại hội nghị này, Tỉnh ủy Trà Vinh quyết định cử một đồng chí Tỉnh ủy viên trực tiếp theo dõi công tác phát triển Đảng và các cơ sở nòng cốt cách mạng trên địa bàn huyện Tiểu Cần. Nhưng cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (tháng 11 năm 1940) ở Trà Vinh đã diễn ra không đúng như phương án tác chiến và sau đó lại bị quân thù khủng bố gắt gao. Vì vậy việc khắc phục tình trạng “chậm phát triển về tổ chức cơ sở Đảng” của Tiểu Cần lại gặp nhiều khó khăn, phải đến cuối năm 1942 đầu năm 1943 mới được tiến triển mạnh mẽ. Đồng chí Nguyễn Duy Khâm (còn gọi là Nguyễn Văn Khiêm), Tỉnh ủy viên được Tỉnh ủy Trà Vinh giao nhiệm vụ này, đồng thời với việc chuẩn bị tổng khởi nghĩa trên địa bàn huyện Tiểu Cần. Từ đây vấn đề “chậm phát triển về tổ chức cơ sở Đảng” ở Tiểu Cần thật sự được khắc phục một cách khẩn trương. Nhiều cơ sở nòng cốt của cách mạng được hình thành, điển hình là gia đình Xã Quảng (xã Tiểu Cần), gia đình Nguyễn Bảo Toàn (xã Long Thới), v.v… Đồng thời, công tác chuẩn bị cho việc thành lập chi bộ cộng sản huyện Tiểu Cần cũng được hoàn tất dần.

         Vào ngày 01 tháng 5 năm 1945, trong khí thế náo nhiệt kỷ niệm ngày Quốc tế lao động và chuẩn bị trực tiếp cho tổng khởi nghĩa, tại một địa điểm thuộc nhà bảo sanh quận Tiểu Cần (nay làm trụ sở Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh huyện Tiểu Cần, đồng chí Nguyễn Duy Khâm, Tỉnh ủy viên thay mặt Tỉnh ủy Trà Vinh tuyên bố thành lập chi bộ cộng sản Tiểu Cần, gồm có:

         1- Trần Nghiễm (thường gọi là Hai Nghiễm), nhân viên y tế nhà thương Tiểu Cần, Bí thư chi bộ.

         2- Kiều Văn Ngọc, ấp Cây Gòn xã Tiểu Cần, Phó Bí thư chi bộ.

         3- Huỳnh Ánh Sáng, ấp Ngãi Trung, xã Tập Ngãi, ủy viên Thường vụ.

         4- Lâm Văn Mẫn (thường gọi là Tư Mẫn), xã Tân An, huyện Càng Long (tăng cường), đảng viên.

         5-    Nguyễn Văn Linh, ấp Cây Gòn, xã Tiểu Cần, đảng viên.

         6- Nguyễn Đức Truyện (thường gọi là Ba Truyện), ấp Cây Gòn, xã Tiểu Cần, đảng viên.

        Sau lễ tuyên bố thành lập, Chi bộ Tiểu Cần họp phiên họp đầu tiên dưới sự chủ trì của đồng chí Bí thư Trần Nghiễm và có mặt đồng chí Tỉnh ủy viên tỉnh Trà Vinh Nguyễn Duy Khâm. Nội dung chính của cuộc họp là đánh giá hiện trạng tình hình quần chúng và lực lượng địch trên địa bàn Tiểu Cần; xem xét các mặt công tác chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa và phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên trực tiếp bám sát và chỉ đạo công tác từng xã. Phương châm hoạt động lúc này là: Lấy danh nghĩa “ban tuyên truyền Đông Á” để khẩn trương xây dựng lực lượng, sẵn sàng vùng lên cướp chính quyền theo lệnh của trên khi thời cơ đến. Khi các đảng viên của chi bộ Tiểu Cần tỏa về các xã và bắt đầu triển khai các hoạt động thực tiễn cách mạng, là lúc mà phong trào “Thanh niên tiền phong” (Jeunese d’avant garde) bắt đầu phát triển lan rộng trên địa bàn Trà Vinh. Các đảng viên đã kịp thời nắm bắt tình hình này để phát động phong trào. Ban lãnh đạo Thanh niên tiền phong quận Tiểu Cần lúc này được gọi là “quận bộ Thanh niên tiền phong Tiểu Cần”, do Huỳnh Văn Phước phụ trách, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư chi bộ Trần Nghiễm. Quận bộ Thanh niên tiền phong Tiểu Cần không chỉ thu hút lực lượng thanh niên, mà còn được sự tham gia nhiệt tình của người lớn tuổi và thiếu nhi trong quận. Lực lượng này công khai luyện tập văn nghệ và chiến thuật quân sự, tự trang bị vũ khí cho mình bằng cách địch vận, để lấy vũ khí địch hoặc sử dụng các lò rèn vào việc rèn vũ khí thô sơ,v.v… Đến đầu tháng 8 năm 1945, quận bộ Thanh niên tiền phong Tiểu Cần là lực lượng bán võ trang gồm hơn 5 nghìn đội viên, có tổ chức khá chặt chẽ, sẵn sàng hành động theo sự chỉ đạo của chi bộ Đảng Cộng sản.

         Và thời cơ đến, phát xít Nhật đã đầu hàng đồng minh (14 tháng 8 năm 1945); Quốc dân Đại hội do tổng bộ Việt Minh triệu tập từ Tân Trào (16/8/1945) đã quyết định phát động tổng khởi nghĩa trên toàn quốc. Xứ ủy Nam kỳ thành lập Ủy ban khởi nghĩa (20/8/1945). Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Trà Vinh được thành lập (thành phần gồm toàn bộ Ban chấp hành Tỉnh ủy lúc đó, đứng đầu là đồng chí Dương Quang Đông, Bí thư Tỉnh ủy giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa). Trong đêm 24/4/1945, chi bộ Tiểu Cần họp quyết định thực hiện phương án tác chiến và thành lập Ủy ban khởi nghĩa quận Tiểu Cần. Thành phần Ủy ban khởi nghĩa quận Tiểu Cần có:

1-    Trưởng ban: Kiều Văn Ngọc (Phó Bí thư chi bộ).

2-    Phó Trưởng ban: Nguyễn Văn Lịnh (đảng viên).

3-    Ủy viên: Lâm Văn Mẫn (đảng viên).

4-    Ủy viên: Nguyễn Đức Truyện (đảng viên).

5-    Ủy viên: Huỳnh Ánh Sáng (đảng viên).

6-    Ủy viên: Kiều Văn Thạch (thanh niên tiền phong).

7-    Ủy viên: Huỳnh Công Ý (thanh niên tiền phong).

8-    Ủy viên: Kiều Văn Hoài (thanh niên tiền phong).

         Theo phương án tác chiến, khởi nghĩa ở quận Tiểu Cần sẽ được phát hỏa vào 7 giờ sáng ngày 25 tháng 8 năm 1945 tùa 03 địa bàn trọng điểm: xã Tiểu Cần, xã Long Thới và xã Tập Ngãi, sau đó tỏa ra các xã khác. Ủy ban khởi nghĩa được phân chia thành 03 bộ phận trực tiếp phụ trách 03 địa bàn trọng điểm này.

         Phụ trách xã Tiểu Cần có: Trưởng ban Kiều Văn Ngọc và các Ủy viên Lâm Văn Mẫn, Kiều Văn Thạch.

         Phụ trách xã Long Thới có: Phó Trưởng ban Nguyễn Văn Lịnh và các ủy viên Nguyễn Đức Truyện, Kiều Văn Hoài.

         Phụ trách xã Tập Ngãi có: Huỳnh Ánh Sáng, Huỳnh Công Ý.

         Rạng sáng ngày 25 tháng 8 năm 1945, tin thắng lợi của khởi nghĩa từ tỉnh lỵ Trà Vinh bay đến khắp các địa bàn trong tỉnh. Tin thắng lợi này đã cổ vũ mạnh mẽ khí thế khởi nghĩa ở Tiểu Cần. Tại quận lỵ khởi nghĩa bùng nổ vào lúc chợ Tiểu Cần đang nhóm họp rất đông. Những người đi chợ cùng hòa nhập vào lực lượng khởi nghĩa, tất cả đồng ca bài hát “Lên đàng”, đoàn người được trang bị bằng vũ khí thô sơ hừng hực khí thế kéo đến bao vây dinh quận trưởng, cùng đồng ca vừa đánh trống mõ và gương cao các biểu ngữ cùng cờ đỏ sao vàng, hô vang các khẩu hiệu:

         "Việt Nam độc lập muôn năm”

         “Đả đảo đế quốc Pháp, Nhật”, v.v…

         Từng tốp người xông vào các công sở, hạ cờ địch xuống và treo cờ đỏ sao vàng lên… trước khí thế quật khởi của lực lượng khởi nghĩa, chính quyền và quân đội địch phản ứng yếu ớt dần rồi 3 tiếng đồng hồ sau phải đầu hàng, giao sở và nộp toàn bộ vũ khí, hồ sơ, tài liệu,v.v… cho Ủy ban khởi nghĩa. Cũng vào thời điểm này, tại xã Tập Ngãi, lực lượng khởi nghĩa sau khi bao vây và chiếm lĩnh trụ sở xã liền tiến về dinh thự của Hội đồng Mỹ ở ấp Ngãi Trung, tịch thu vũ khí (trong đó có khẩu súng hai nòng của tên địa chủ khét tiếng này. Tại xã Long Thới, chính quyền và quân đội địch ngoan cố phản ứng gây gắt hơn nên cuộc khởi nghĩa ở đây kết thúc thắng lợi sau xã Tập Ngãi và quân lỵ Tiểu Cần một giờ đồng hồ.

         Như thế diễn biến của cuộc khởi nghĩa trên địa bàn quận Tiểu Cần đã đúng như kế hoạch được vạch trước. Sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở ba địa bàn trọng điểm nêu trên, Ủy ban khởi nghĩa Tiểu Cần triển khai kịp thời việc điều động lực lượng, các xã còn lại phối hợp với lực lượng tại chỗ lật đổ chính quyền địch, thiết lập chính quyền cách mạng. Đến chiều ngày 25/8/1945, tổng khởi nghĩa đã kết thúc thắng lợi trên toàn quận Tiểu Cần. Ngày hôm sau (26/8/1945) Ủy ban hành chính lâm thời quận Tiểu Cần đã làm lễ ra mắt trước quần chúng nhân dân, thành phần gồm có:

1-    Chủ tịch Nguyễn Văn Ri

2-    Phó Chủ tịch Lê Văn Bông

3-    Ủy viên Quân sự Kiều Văn Ngọc

4-    Ủy viên Công an Triệu Quang Liễu

5-    Ủy viên Giao thông Huỳnh Ánh Sáng

6-    Ủy viên phụ trách thanh niên tiền phong Huỳnh Văn Phước

        Sáng ngày 27/8/1945 lễ ra mắt Ủy ban hành chính lâm thời quận Tiểu Cần diễn ra trong không khí náo nhiệt của một cuộc mít tinh được tổ chức trên bãi cỏ lớn (sân banh) gần chợ Tiểu Cần. Trụ sở Ủy ban hành chính lâm thời quận Tiểu Cần đặt tại tòa nhà gần dinh Quận trưởng cũ (nay là khu vực trụ sở Hội đồng nhân dân huyện Tiểu Cần).

         Chiều ngày 27/8/1945, chính quyền cách mạng cấp xã được thiết lập trên toàn bộ các xã của quận Tiểu Cần.

        Như vậy là tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 ở Tiểu Cần diễn ra một cách nhanh gọn và ít bị đổ máu, với thắng lợi này, hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền do thực dân Pháp áp đặt trên vùng đất Tiểu Cần gần 80 năm đã hoàn toàn sụp đổ và hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền mới – chính quyền dân chủ nhân dân được thiết lập. Từ đây đồng bào các dân tộc Tiểu Cần cùng Trà Vinh và cả nước bắt đầu cuộc hành trình lịch sử mới: Thực sự làm chủ quê hương và đất nước, xây dựng chế độ xã hội mới.

image advertisement

 

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 24
  • Hôm nay: 5201
  • Trong tuần: 39 003
  • Tất cả: 7215337
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TIỂU CẦN
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Tiểu Cần - Khóm 4, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh
- Chịu trách nhiệm chính:
1. Ông Lê Chí Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần, Trưởng Ban Biên tập Trang thông tin điện tử
2. Ông Trương Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, Phó Trưởng Ban Biên tập thường trực Trang thông tin điện tử
Điện thoại: 0294.3822070 - Fax: 0294.3612518. Email: tieucan@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "tieucan.travinh.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang