Tập Ngãi: Những gương thương binh vượt khó
        Thấm nhuần lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, từ khi trở về cuộc sống đời thường sau chiến tranh, nhiều thương binh ở xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần đã khắc phục mọi khó khăn, vượt lên thương tật và tiếp tục xung phong trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, nuôi dạy các con ăn học thành đạt, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

         Tập Ngãi là vùng căn cứ cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và là một trong 04 đơn vị của huyện Tiểu Cần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Thương binh Đoàn Hùng Khôi

         Đến với ấp Ông Xây, xã Tập Ngãi chúng tôi có dịp gặp ông Đoàn Hùng Khôi, sinh năm 1948 là một trong những tấm gương thương binh vượt khó nuôi dạy các con ăn học thành đạt và cũng là thương binh luôn cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước trong thời chiến cũng như trong thời bình. Được biết vào tháng 10 năm 1966, ở độ tuổi đôi mươi ông Khôi đã tham gia cách mạng và làm việc tại nhiều đơn vị như Văn phòng Đảng ủy xã Tập Ngãi, Văn phòng Huyện đội Cầu Kè,… Đến năm 1972 ông là chính trị viên đại đội địa phương quân của huyện Tiểu Cần. Ông kể, trong một lần cùng đồng đội tham gia đánh đồn ấp An Cư, xã Tân Hòa (đồn ngang Chợ Rạch Lọp), ông đã bị thương khá nặng, ảnh hưởng đến tay, chân và mắt. Sau năm 1975, khi đất nước giải phóng và trở về cuộc sống đời thường với vợ con, lúc này cuộc sống của gia đình ông rất khó khăn. Bản thân ông lại mang trên mình đầy thương tích với đôi chân đi khập khiễng, đôi tay không còn mạnh mẽ như bình thường và đôi mắt không nhìn rõ, tỷ lệ thương tật 23%, là thương binh hạng 4/4. Mặc dù sức khỏe giảm sút, nhưng với ý chí quyết tâm không chịu cảnh nghèo khó và bản lĩnh của người chiến sĩ cùng nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng và sự hỗ trợ, giúp đỡ của địa phương, ông Khôi và gia đình quyết tâm đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế trên 04 công đất của mình. Để sản xuất có hiệu quả, ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng trong trồng trọt và chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, ông Khôi còn làm thêm rất nhiều nghề để có tiền trang trải cuộc sống. Sau bao năm vất vả, cuộc sống gia đình ông Khôi dần ổn định và vươn lên khấm khá. Đến nay gia đình ông Khôi có hơn 20 công đất trồng dừa và trồng lúa. Điều đáng ghi nhận là ông đã nuôi dạy cả 05 người con thành đạt, trong đó có 03 người con hiện là công chức nhà nước và 02 người con đang buôn bán, kinh doanh.

         Thương binh Đoàn Hùng Khôi tâm sự: “Sau khi trở về cuộc sống đời thường, cuộc sống rất khó khăn, con cái cũng đông, tôi thấy hơi vất vả nhưng bản thân là lính của Cụ Hồ, dù có thương tật cũng ráng quyết tâm để xây dựng gia đình, bươn chải làm các nghề đã biết với học hỏi thêm từ anh, em, bạn bè. Bên cạnh đó, được vay 10 triệu đồng từ ngân hàng nông nghiệp huyện để phục vụ cho sản xuất, từ đó đời sống của gia đình ngày càng vươn lên và cho 05 đứa con được ăn học thành tài. Đời sống hiện nay đối với gia đình tôi ổn định về kinh tế, tuy già nhưng sống thoải mái, con cái nó nên người hết trơn rồi, tôi cũng phấn khởi và an lòng”.

         Ngoài việc tự thân vươn lên để phát triển kinh tế gia đình, với bản chất người lính Cụ Hồ, vào năm 1993 ông Khôi tiếp tục tham gia các hoạt động tại địa phương. Ông đã có nhiều năm làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh và Bí thư ấp Xóm Chòi, xã Tập Ngãi (nay là ấp Ông Xây, xã Tập Ngãi). Hiện tại với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Ông Xây, bản thân ông Khôi luôn cố gắng rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, vai trò của cá nhân trong công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể; tích cực tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách liên quan đến người có công, về công tác đền ơn đáp nghĩa.

Ngôi nhà Đồng đội của thương binh Trần Văn Xưa

         Còn thương binh Trần Văn Xưa, sinh năm 1950, cùng cư ngụ ấp Ông Xây, xã Tập Ngãi, là thương binh hạng 3/4 với tỷ lệ thương tật 41%. Vào năm 1968, ông Xưa tham gia du kích ấp, sau đó là chiến sĩ du kích xã Tập Ngãi, đến năm 1972 ông là địa phương quân huyện Tiểu Cần. Trong một lần cùng đồng đội đánh chiếm giữ ấp chiến lược ấp Ô Trao, xã Tập Ngãi (nay là ấp Ô Trao, xã Hiếu Tử) vào năm 1973, ông đã bị thương khắp mình bao gồm phần đầu, tay, chân và bụng. Sau khi chữa lành vết thương, ông tiếp tục tham gia kháng chiến và làm ở Công an vũ trang huyện Tiểu Cần cho đến ngày đất nước giải phóng, ông mới trở về cuộc sống đời thường với vợ con. Được biết thời điểm đó, vợ chồng ông Xưa được gia đình cho 10 công ruộng vườn, kinh tế cũng còn nhiều khó khăn. Tuy sức khỏe không đảm bảo nhưng ông không cho phép mình nản chí và ông đã quyết tâm vươn lên, hăng say lao động sản xuất. Sau bao năm vất vả lao động và tích góp, ông Xưa đã mua được nhiều đất ruộng và vườn. Đến khi cả 05 người con đều trưởng thành và có gia đình riêng, ông chia cho mỗi người con một ít và hiện tại ông còn 08 công đất trồng dừa đang cho trái và 04 công đất trồng lúa. Thu nhập bình quân hàng tháng đủ để ông trang trải cuộc sống gia đình và an hưởng tuổi già. Thương binh Trần Văn Xưa chia sẻ: “Trở về cuộc sống đời thường với muôn vàn khó khăn khi vết thương đau nhức mỗi khi trái gió trở trời nhưng bản thân quyết tâm lao động sản xuất để nuôi dạy 05 đứa con nên người, cuộc sống của gia đình được ổn định. Bên cạnh đó, tôi được Nhà nước tặng căn nhà Đồng đội, hiện nhà tôi cũng được xây dựng kiên cố, khang trang. Bản thân rất cảm ơn Đảng và Nhà nước quan tâm đến những người thương binh như chúng tôi”.

         Có thể nói, khi trở về với cuộc sống đời thường sau khoảng thời gian tham gia chiến đấu, mỗi thương binh có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng ở họ có một điểm chung là nghị lực của người lính Cụ Hồ. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, giờ đây đa số gia đình thương binh trên địa bàn xã Tập Ngãi đều nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho bản thân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. “Thương binh tàn nhưng không phế”, lời Bác Hồ dạy năm xưa đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho nhiều thương binh, bệnh binh vượt lên hoàn cảnh, trở thành người sống khỏe, sống có ích cho xã hội. Thời chiến, họ là những người anh hùng chiến đấu hết mình để giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Trong thời bình, trở về quê hương, họ tiếp tục hăng say lao động, làm kinh tế từ chính đôi tay, đôi chân không còn nguyên vẹn của mình. Những thương binh tàn nhưng không phế đó đã trở thành tấm gương sáng cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo để cống hiến sức mình góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước./.

Bài, ảnh: Kiều Diễm

image advertisement

 

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 20
  • Hôm nay: 155
  • Trong tuần: 5 224
  • Tất cả: 7261257
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TIỂU CẦN
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Tiểu Cần - Khóm 4, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh
- Chịu trách nhiệm chính:
1. Ông Lê Chí Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần, Trưởng Ban Biên tập Trang thông tin điện tử
2. Ông Trương Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, Phó Trưởng Ban Biên tập thường trực Trang thông tin điện tử
Điện thoại: 0294.3822070 - Fax: 0294.3612518. Email: tieucan@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "tieucan.travinh.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang