Bác Hồ với người cao tuổi

 

         Năm 1948, có một cụ già là hội viên Hội Phụ lão Cứu quốc, quê ở huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Ơn trời, năm 1948, cụ vào tuổi thượng thọ, 90, chỉ còn kém 10 năm nữa là cụ Phụng Lục - tên cụ già quê Ứng Hòa - sống vừa tròn một thế kỷ. Cụ gửi thư lên Cụ Hồ - Chủ tịch nước, thư viết: “Theo cổ tục, phải làm lễ thượng thọ, nhưng trong lúc nước nhà có việc, nên tôi miễn sự tế lễ ăn uống, dành số tiền là 500 đồng gửi đến Hồ Chủ tịch để sung vào quỹ kháng chiến”.

         Nhận được lá thư viết rất chân tình của cụ Phụng Lục, tháng 5-1948, Bác có thư đáp lại cụ Phụng Lục. Theo tư liệu, lá thư này được lưu trong tập công văn của Văn phòng Phủ Chủ tịch. Bác viết: “Những vị thượng thọ như cụ là của quý vô giá của dân tộc và nước nhà. Trong ngày chúc thọ, cụ cho miễn sự tế lễ dặm dinh lại còn đem số tiền 500 đồng quyên vào quỹ kháng chiến. Như thế là cụ đã nêu cái gương hăng hái kháng chiến và cái gương sửa đổi cổ tục, thực hành đời sống mới cho toàn thể đồng bào noi theo.

         Cháu xin thay mặt Chính Phủ cảm ơn cụ, và trân trọng chúc cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khỏe, để kêu gọi con cháu ra sức tham gia công việc kháng chiến và kiến quốc”.

         Có lẽ, đến năm 1948, lần đầu tiên mọi người được biết Cụ Chủ tịch nước - Bác Hồ xưng là “cháu” đối với một cụ già vào tuổi thượng thọ - 90 tuổi trời cho. Thời xưa, nơi triều đình thì trọng tước, còn nơi thông hương thì trọng xỉ. Đây là một trong những trường hợp tiêu biểu mà Bác đã trọng “xỉ” theo đúng tập quán tốt đẹp của Việt Nam ta. Xưng “cháu” với cụ già 90 tuổi, Bác vừa khiêm tốn vừa tỏ thái độ trân trọng đối với bậc đại lão nơi thôn hương tỉnh Hà Đông.

         Cụ Phụng Lục, vừa kính trọng vừa cảm phục tấm gương sáng chói của Bác, mới chuyển lên Bác số tiền 500 đồng để ủng hộ quỹ kháng chiến, số tiền đáng lẽ để chi dùng vào lễ mừng thượng thọ của cụ.

         Lại nhớ khi Bác và Chính phủ kháng chiến mở cuộc vận động “Tuần lễ vàng” để ủng hộ cách mạng, ủng hộ kháng chiến, nhân dân nhìn vào cái đức lớn của Bác, tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Chính phủ kháng chiến do Bác đứng đầu, nên hăng hái góp vàng vào quỹ Quốc gia. Báo chí thời đó đã ghi lại rất nhiều tấm lòng cao cả, trong sáng của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện nghĩa cử cao đẹp này. Ở tỉnh Ninh Thuận có bà Dụng Thị Thềm là dòng dõi vua Chăm đã ủng hộ một chiếc mũ vàng - đây là một báu vật của vua Chăm để lại. Chiếc mũ tượng trưng cho một vương triều, và cho quyền bính của các vị vua ngồi trên ngai vàng, nhưng bà Thềm đã vui lòng ủng hộ, bởi vì bà vẫn đinh ninh lời Bác: Nhân dân ta quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi, để rồi xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

         Chưa có một thống kê nào được công bố là Bác đã tặng lụa để may quần áo cho bao nhiêu cụ ông, cụ bà cao tuổi. Sinh thời, Bác đã tặng lụa cho người cụ già cũng như chia kẹo cho các em nhỏ. Hồi ở Việt Bắc, Bác có điều kiện ở gần dân, anh em cán bộ và các đồng chí phục vụ đều học được ở Bác một đức tính quý báu: Quý trọng người già, yêu thương con trẻ, chăm lo hết thảy đến cuộc sống của mọi người.

         “Bác về Slum Lực” là đầu đề câu chuyện kể của tác giả Dương Đại Lâm, dân tộc Nùng, nguyên Phó Chính uỷ Quân khu Việt Bắc: “Bác tắm cho các cháu ở nhà tập thể xong, Bác lên giường uống nước và bắt đầu đọc sách. Bếp tập thể nấu cháo, bưng lên cho Bác một bát, trong bát cháo có quả trứng gà. Bác chỉ vào bát cháo, hỏi:

         - Ở đây, mỗi ngày ăn mấy bữa, chú?

         Tôi thưa:

         - Báo cáo Bác, thanh niên ngày ăn hai bữa, các cụ già và cháu nhỏ thì sáng có thêm bát cháo nữa ạ!

         Bác lại hỏi:

         - Thế bát cháo nào cũng có trứng gà?

         Tôi thú thật:

         - Dạ không ạ! Thấy Bác mệt, nên tập thể dành trứng bồi dưỡng Bác, cho chóng lại sức ạ!

         - Sao các chú làm thế? Trong lúc này có ai là con người đặc biệt, ăn chế độ đặc biệt? Tôi còn ở đây lâu. Lần sau các chú không được làm thế này nữa. Tôi cũng ăn hai bữa như các cô, các chú thanh niên thôi!

         Dứt lời, Bác đứng dậy bưng bát cháo sang giường cụ Cố:

         - Mời cụ ăn bát cháo này. Cụ sống đã gần được thế kỷ rồi.

         Thấy Bác làm như vậy, chúng tôi vừa cảm động vừa thương Bác quá…”.

         Gửi thư chúc cụ già 90 tuổi sống thêm tuổi thọ, bưng bát cháo trứng gà mời cụ Cố sống gần một thế kỷ, gửi lụa tặng các cụ cao niên, việc làm của Bác mới đẹp làm sao!

 

                                             Trích theo: Tạ Hữu Yên: Sáng ngời đạo đức

Hồ Chí Minh, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2008, tr.196.

image advertisement

 

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 13
  • Hôm nay: 152
  • Trong tuần: 2 733
  • Tất cả: 7263030
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TIỂU CẦN
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Tiểu Cần - Khóm 4, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh
- Chịu trách nhiệm chính:
1. Ông Lê Chí Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần, Trưởng Ban Biên tập Trang thông tin điện tử
2. Ông Trương Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, Phó Trưởng Ban Biên tập thường trực Trang thông tin điện tử
Điện thoại: 0294.3822070 - Fax: 0294.3612518. Email: tieucan@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "tieucan.travinh.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang