Tiểu Cần: Đột phá tạo nên diện mạo mới, sức sống mới, mừng Xuân mới - Quý Mão năm 2023
       Như vậy là năm 2022 đã qua đi - Năm mà cả nước nói chung và huyện Tiểu Cần nói riêng phục hồi và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội sau đại dịch Covid-19, trong năm huyện Tiểu Cần đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả rất khả quan trên nhiều lĩnh vực. Đây là dấu hiệu đáng mừng và là tiền đề để huyện Tiểu Cần tiếp tục phấn đấu đến mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2024; đạt chuẩn đô thị loại IV và trở thành thị xã trực thuộc tỉnh vào năm 2025.

         Tiểu Cần là huyện nằm về phía Tây của tỉnh Trà Vinh, có địa bàn giáp tuyến sông Hậu, huyện có 11 đơn vị hành chính (gồm: 09 xã, 02 thị trấn) với tổng số 29.385 hộ, có trên 108.800 người, trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 33% dân số.

Một góc Trung tâm huyện Tiểu Cần

         Xác định lợi thế về đường bộ vì có 02 Quốc lộ 54 và 60 đi qua, có 02 địa phương là Tân Hòa, thị trấn Cầu Quan giáp với sông Hậu và trong tương lai khi cầu Đại Ngãi được hình thành nối liền 02 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, đường hành lang ven biển nối liền 6 tỉnh (từ Tiền Giang đến Cà Mau); trong đó huyện Tiểu Cần có phần hưởng lợi từ tuyến giao thông quan trọng này sẽ trở thành địa phương có lợi thế cả về đường bộ lẫn đường thủy.

         Dù có những lợi thế như trên, nhưng nằm trong bối cảnh khó khăn chung của tỉnh nên trước năm 2010 kinh tế, xã hội của huyện Tiểu Cần chậm phát triển, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thu nhập và đời sống của người dân còn ở mức thấp. Thế nhưng, 12 năm trở lại đây - tức là sau khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, huyện được nhiều nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, sự chung tay đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có những người con của quê hương Tiểu Cần, đã cùng đồng hành và xây dựng cho quê hương Tiểu Cần hôm nay phát triển một cách vượt bậc. Huyện Tiểu Cần giờ đây như đã được khoác lên mình chiếc áo mới với hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, diện mạo đô thị, nông thôn có rất nhiều đổi mới thật sự, thu nhập và đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Tuyến đường nội ô thị trấn Cầu Quan - đô thị loại V

         Đáng chú ý là đến nay huyện Tiểu Cần có thị trấn Cầu Quan đạt chuẩn đô thị loại V; thị trấn Tiểu Cần mở rộng được công nhận đô thị loại IV và huyện Tiểu Cần cũng được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Trà Vinh (năm 2018). Điều đó minh chứng cho sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương. Không dừng lại ở đó, từ khi được công nhận huyện nông thôn mới đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tiểu Cần tiếp tục phấn đấu để vươn tới mục tiêu xa hơn, lớn hơn là xây dựng thành công huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2024; xây dựng huyện Tiểu Cần đạt chuẩn đô thị loại IV và trở thành thị xã trực thuộc tỉnh vào năm 2025.

         Để thực hiện được mục tiêu đó, hơn hai năm qua mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của tình hình dịch bệnh Covid-19, song song với công tác phòng, chống dịch, Huyện ủy - UBND huyện Tiểu Cần vẫn tiếp tục tập trung nguồn lực để xây dựng các tiêu chí cho một thị xã Tiểu Cần trong tương lai. Nhờ đó tiến trình phát triển đô thị và nông thôn ở huyện Tiểu Cần chẳng những không bị gián đoạn, đứt gãy mà vẫn tiếp tục hoàn thiện dần các tiêu chí của huyện nông thôn mới nâng cao và thị xã trực thuộc tỉnh theo lộ trình kế hoạch đề ra. Chỉ tính riêng trong năm 2022 - Năm phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch Covid-19, huyện Tiểu Cần đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Trong năm, kinh tế tiếp tục phục hồi và phát triển theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng 43,81% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất đạt trên 8.800 tỷ đồng, tăng 16,02% so cùng kỳ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 2.400 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước trên 713 tỷ đồng, tăng 20,35% so cùng kỳ; thu nhập bình quân đầu người đạt 74,5 triệu đồng/người/năm, tăng 10,83% so với cùng kỳ.

Đầu tư xây dựng những tuyến đường nội ô thị trấn Tiểu Cần

         Xác định lợi thế về đường bộ cũng như đường thủy trong việc giao lưu phát triển kinh tế - xã hội với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh, trong năm huyện Tiểu Cần tiếp tục huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông. Cụ thể huyện đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 49 công trình, dự án với tổng kinh phí gần 988 tỷ đồng. Nâng tổng số đến nay toàn huyện có 07 tuyến đường huyện được nhựa hóa 100% với tổng chiều dài hơn 37km; 22 tuyến đường liên xã, 54 tuyến đường liên ấp, 283 tuyến đường ngõ - xóm, với tổng chiều dài gần 600km và 46 tuyến đường trục chính nội đồng gần 114km; trong đó, có gần 110km đường liên xã, liên ấp có hệ thống đèn chiếu sáng công cộng, góp phần nâng chất tiêu chí giao thông của huyện. Từ những tuyến đường cứ tiếp tục được trãi dài và mở rộng, cộng thêm nhiều công trình trọng điểm khác đã và đang được hình thành, tạo nên những “gam màu sáng” cho bức tranh tươi đẹp về những phường, xã của thị xã Tiểu Cần trong một tương lai không xa. Đến nay huyện Tiểu Cần đã được công nhận huyện nông thôn mới năm 2018 và đã đạt được 4/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. Huyện có 9/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 6/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 69/69 ấp đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 07 ấp đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

         Để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đồng thời để đảm bảo một trong những tiêu chí về thu nhập và giải quyết vấn đề hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua huyện Tiểu Cần luôn chú trọng việc kêu gọi đầu tư và thu hút doanh nghiệp vào địa bàn huyện nhằm phát triển nhanh lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của địa phương; đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều công ty, xí nghiệp đang hoạt động và giải quyết phần lớn lao động tại địa phương như: Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong ở xã Hiếu Tử, Công ty Bestmate ở xã Tân Hùng, Công ty TNHH MTV Phượng Tùng Anh ở thị trấn Cầu Quan; Siêu thị Co.opmart, Thế giới di động, Cửa hàng Điện Máy Xanh, Cửa hàng Bách Hóa Xanh ở thị trấn Tiểu Cần,… giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Chỉ tính riêng trong năm 2022 huyện Tiểu Cần phát triển mới thêm 40 doanh nghiệp, nâng tổng số toàn huyện có 187 doanh nghiệp, tổng vốn điều lệ gần 367 tỷ đồng. Năm 2022 tổng giá trị sản xuất trên lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt gần 2.400 tỷ đồng, tăng 33,39% so cùng kỳ.

Mô hình sản xuất có hiệu quả

         Phát huy lợi thế và tiềm năng của huyện với trên 19.000 ha đất nông nghiệp và thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững, thời gian qua huyện Tiểu Cần luôn tập trung chỉ đạo duy trì và củng cố các mô hình sản xuất hiệu quả như: Mô hình cánh đồng lớn trên cây lúa tại 08 điểm với diện tích trên 1.900 ha; mô hình dừa hữu cơ ở các xã Tân Hòa, Tân Hùng, Tập Ngãi và Ngãi Hùng với diện tích trên 684 ha; duy trì mô hình Bưởi da xanh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap diện tích 26,7 ha; mô hình canh tác lúa theo hướng hữu cơ tại ấp Lò Ngò, xã Hiếu Tử với diện tích 30 ha và mô hình trồng dưa nhà lưới tại ấp Đại Trường, xã Phú Cần với diện tích 0,45 ha. Để các mô hình này sản xuất có hiệu quả và mang lại lợi ích cho người nông dân, huyện luôn quan tâm chỉ đạo thành lập và củng cố các tổ hợp tác và các hợp tác xã. Tính đến nay toàn huyện có 17 hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng và quỹ tín dụng nhân dân, với hơn 3.400 thành viên, vốn điều lệ trên 18,7 tỷ đồng; 149 tổ hợp tác với trên 4.000 thành viên. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), đến nay toàn huyện đã có 16 sản phẩm OCOP, trong đó có 02 sản phẩm tiềm năng đang đề nghị Trung ương đánh giá công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Đáng ghi nhận, trong 16 sản phẩm OCOP của huyện có đến 07 sản phẩm của Công ty TNHH Trà Vinh Farm; trong đó sản phẩm Mật hoa dừa cô đặc đã có mặt trên 30 tỉnh, thành phố trong nước và đã xuất 9 ngạch sang các nước Hà Lan, Nhật Bản.

Sản phẩm Mật hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh Farm

 đã xuất 9 ngạch sang các nước Hà Lan, Nhật Bản

         Để tô điểm thêm cho diện mạo nông thôn, huyện Tiểu Cần thường xuyên chỉ đạo tập trung thực hiện công tác chỉnh trang cảnh quan môi trường, tạo vẻ mỹ quan đô thị và tạo nền cho bộ mặt của thị xã trong tương lai, trong đó đặc biệt quan tâm việc củng cố và duy trì các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, trồng mới cây hoa các loại tạo thêm vẻ mỹ quan môi trường. Đến nay toàn huyện đã xây dựng được 27 tuyến đường hoa, tuyến đường xanh - sạch - đẹp với chiều dài hơn 45,4km. Bên cạnh đó công tác thu gom và xử lý rác thải cũng được xử lý theo quy định.

         Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng lên. Trong đó nổi bật là việc xây dựng và phát triển các trường đạt chuẩn quốc gia, trong năm huyện công nhận mới 04 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt 400% Nghị quyết, nâng tổng số toàn huyện hiện có 22/45 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (trong đó có 02 trường Mẫu giáo, Mầm non; 12 trường Tiểu học, 05 trường THCS, 02 trường THPT và 01 trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS - THPT) và có 03 xã gồm Hiếu Tử, Long Thới, Hùng Hòa đạt chuẩn cơ sở vật chất trường học theo tiêu chí xã nông thôn mới. Ngoài sự đầu tư của Nhà nước, nhiều công trình trường, lớp trên địa bàn đã ghi nhận đậm nét về sự vận động và đóng góp ủng hộ tích cực của các tổ chức, cá nhân ở lĩnh vực này.

Tuyến đường tránh Quốc lộ 60 - thị trấn Tiểu Cần

         Năm 2022 nền kinh tế chỉ mới được phục hồi sau đại dịch Covid-19, đời sống người dân và doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn. Nhưng đây cũng là năm ghi dấu ấn tích cực về những kết quả đạt được đối với việc thực hiện công tác an sinh xã hội của huyện Tiểu Cần. Để chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống của người dân, trong năm huyện Tiểu Cần đã tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm cho 3.060 lao động, trong đó đưa 201 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Đến nay tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm đạt trên 95%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 75%. Bên cạnh, huyện còn luôn quan tâm, tạo điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo và những người yếu thế trong xã hội vươn lên trong cuộc sống. Chỉ tính riêng trong năm 2022 huyện đã vận động sự hỗ trợ, đóng góp từ các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, trong đó có nhiều đóng góp đáng ghi nhận từ những người con của quê hương Tiểu Cần đang sinh sống, làm việc trong và ngoài tỉnh, ngoài nước với tổng số tiền trên hàng chục tỷ đồng để xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn và xây dựng 44 căn nhà cho gia đình chính sách và hộ khó khăn về nhà ở; tặng hơn 21.000 phần quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người khuyết tật, học sinh nghèo hiếu học, trẻ mồ côi,... Ngoài ra, huyện còn tập trung vận động người dân nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình bằng các hình thức sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay tín dụng để góp phần cùng chính quyền, địa phương hoàn thành mục tiêu về công tác giảm nghèo. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội mà đến cuối năm 2022 toàn huyện còn 233 hộ nghèo, chiếm 0,79%; 1.067 hộ cận nghèo, chiếm 3,62% so dân số chung toàn huyện; nâng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 74,51 triệu đồng/người/năm.

         Thời gian qua huyện Tiểu Cần cũng là địa phương được đánh giá cao về phát huy khối đại đoàn kết dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo. Huyện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các quy định, chính sách về lĩnh vực dân tộc, tôn giáo; thường xuyên tổ chức các hoạt động họp mặt, thăm hỏi và tặng quà cho các điểm chùa, cơ sở thờ tự, tôn giáo, gia đình chính sách, người có uy tín nhân các dịp lễ, tết. Qua đó đã góp phần tạo nên sức mạnh và tinh thần đoàn kết của các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn. Điều đó đã được thể hiện rất rõ qua sự đồng lòng và hưởng ứng tích cực của các tôn giáo trong việc vận động Nhân dân tham gia các phong trào hành động cách mạng ở địa phương.

         Như vậy có thể thấy trong năm 2022 huyện Tiểu Cần đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt trong đó có sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh; sự hỗ trợ, đồng hành của các doanh nghiệp và các mạnh thường quân, nhất là sự hỗ trợ của những người con quê hương Tiểu Cần đang sinh sống, làm việc trong và ngoài nước đã tạo nên sức mạnh để huyện Tiểu Cần đạt được các mục tiêu đề ra.

Diện mạo đô thị loại IV - thị trấn Tiểu Cần

         Được biết, theo quy hoạch tổng thể của tỉnh Trà Vinh, huyện Tiểu Cần là Cụm trung tâm đô thị phía Tây - Tây Bắc, cách trung tâm tỉnh 24km theo Quốc lộ 60, tiếp giáp với 04 huyện: Cầu Kè, Càng Long, Trà Cú và Châu Thành; huyện có tuyến Quốc lộ 60, Quốc lộ 54 đi qua, tạo kết nối giữa tỉnh Trà Vinh với các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng đến thành phố Cần Thơ. Do vậy, Tiểu Cần được xem như một góc trong tam giác đô thị, góp phần chi phối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Trà Vinh trong tương lai. Đồng thời với lợi thế là vùng đất tiếp giáp sông Hậu, là cửa ngõ thương cảng cho khu vực trung chuyển hàng hóa giữa các địa phương trong vùng phía Tây và Nam sông Hậu.

         Theo đó mục tiêu đến năm 2024, huyện Tiểu Cần đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đến năm 2025, huyện không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 96 triệu đồng/người/năm, huyện đạt chuẩn đô thị loại IV và trở thành thị xã trực thuộc tỉnh.

         Trước mắt, tiếp tục đà phát triển của năm 2022, trong năm 2023 - năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, cũng là năm quyết định cho sự thắng lợi của cả giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy trong năm mới này huyện Tiểu Cần sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt trên các lĩnh vực và quyết tâm hoàn thành thắng lợi theo các mục tiêu đã đề ra. Trong đó huyện sẽ chú trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,19%, nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 82 triệu đồng/người/năm. Nhiệm vụ quan trọng là huyện sẽ tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng đô thị. Xây dựng phát triển các sản phẩm có nhãn hiệu, thương hiệu, chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ, hữu cơ vi sinh gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Nâng chất lượng kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, mời gọi đầu tư, huy động có hiệu quả các nguồn lực tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như: Hoàn chỉnh xây dựng đường huyện 13; đầu tư xây dựng đường huyện 6 nối dài; xây dựng tuyến đường nối Quốc lộ 60 đến Quốc lộ 54; đường vành đai phía đông với tổng kinh phí trên 450 tỷ đồng. Đồng thời đẩy mạnh tiến độ thi công Trường Mẫu giáo Hoa Hồng tại khóm 6 - thị trấn Tiểu Cần mang tầm cỡ quốc tế; xây dựng siêu thị Go, khoảng 5.000m2 tại khóm 2 - thị trấn Tiểu Cần; xây dựng Trung tâm sản xuất chế biến dừa Betrimex - Trà Vinh và tiếp tục kêu gọi đầu tư vào Khu công nghiệp Cầu Quan với diện tích 120 ha.

Một góc bờ hồ huyện Tiểu Cần về đêm

         Bên cạnh đó, với tiềm năng và lợi thế phát triển nhiều ngành nghề, nguồn lao động dồi dào, đất đai tiềm năng và một số công trình trọng điểm của Trung ương, của tỉnh đã và đang triển khai thực hiện góp phần thúc đẩy phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời huyện có nguồn nguyên liệu tại chỗ để tạo việc làm cho lao động nông thôn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động theo hướng đô thị hóa. Vì vậy, huyện Tiểu Cần tha thiết kêu gọi sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, những người con quê hương Tiểu Cần tiếp tục hướng về quê hương để đầu tư phát triển các hình thức kinh doanh hiện đại như: Nhà máy, xí nghiệp sản xuất chế biến, siêu thị, Trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn,... Ngoài ra, huyện Tiểu Cần có tiềm năng khai thác phát triển du lịch ven sông Hậu. Hiện tại huyện đã từng bước hình thành và phát triển một số loại hình du lịch đồng quê - sông nước - miệt vườn - văn hóa Khmer; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với liên kết du lịch trong tỉnh và khu vực theo đề án du lịch đã được phê duyệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện, của tỉnh; tạo thêm diện mạo mới của đô thị và dáng vóc của thị xã Tiểu Cần trong tương lai.

         Với truyền thống đoàn kết và quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện; cùng sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh; các sở, ban, ngành tỉnh cộng với những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp, các mạnh thường quân và những người con quê hương Tiểu Cần đang sinh sống, làm việc trong và ngoài nước - Tin chắc rằng huyện Tiểu Cần sẽ tiếp tục có những đột phá mới để tạo nên diện mạo mới, sức sống mới, với nhiều sắc xuân trên quê hương Tiểu Cần anh hùng trong năm Quý Mão 2023; tạo nền tảng vững chắc để huyện Tiểu Cần tiếp tục xây dựng thành công huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2024; đạt chuẩn đô thị loại IV và trở thành thị xã trực thuộc tỉnh vào năm 2025; tương xứng với vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, là đô thị trọng tâm khu vực phía Tây của tỉnh Trà Vinh trong tương lai./.

          Bài, ảnh: Kiều Diễm - Khắc Phú - Chí Hẹn

image advertisement

 

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 121
  • Trong tuần: 2 468
  • Tất cả: 7263341
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TIỂU CẦN
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Tiểu Cần - Khóm 4, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh
- Chịu trách nhiệm chính:
1. Ông Lê Chí Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần, Trưởng Ban Biên tập Trang thông tin điện tử
2. Ông Trương Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, Phó Trưởng Ban Biên tập thường trực Trang thông tin điện tử
Điện thoại: 0294.3822070 - Fax: 0294.3612518. Email: tieucan@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "tieucan.travinh.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang