Tiểu Cần: Nâng cao ý thức của người dân trong kê khai hoạt động chăn nuôi
25/10/2023
Theo Luật Chăn nuôi, việc kê khai đàn vật nuôi là bắt buộc đối với người chăn nuôi. Mặc dù huyện đã triển khai quy định này đến các địa phương nhưng việc kê khai vẫn chưa thực hiện tốt, do tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ lớn, người dân không tự giác khai báo. Điều này làm ảnh hưởng đến công tác thống kê tổng đàn cũng như công tác kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện. Đặc biệt là việc thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra.
Ngày 30/11/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 23 hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi, quy định rõ: Tổ chức, cá nhân chăn nuôi thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi về loại, số lượng vật nuôi theo quy định từ ngày 25 đến ngày 30 của tháng cuối quý theo biểu mẫu quy định. Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi. Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ người chăn nuôi trên địa bàn huyện chủ động khai báo khi tái đàn còn rất thấp.
Mô hình nuôi heo thịt trên địa bàn xã Tân Hùng
Bà Lê Thị Kim Nương - Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện có 7.616 hộ chăn nuôi với 272.892 con gia cầm, 56.092 con gia súc. Trong đó có 218 hộ chăn nuôi heo từ 30 con trở lên với 14.496 con và 70 hộ chăn nuôi gia cầm từ 500 con trở lên với 133.420 con, còn lại đa phần là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ nên người dân chưa quan tâm đến việc kê khai hoạt động chăn nuôi. Sau khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực, huyện đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến Luật Chăn nuôi. Bên cạnh đó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã triển khai các biểu mẫu, phụ lục kèm theo Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT đến các xã, thị trấn nhưng việc kê khai tổng đàn còn gặp nhiều khó khăn, do tập quán chăn nuôi tự do nên các cơ sở, hộ chăn nuôi chưa tự giác khai báo. Điều này gây ảnh hưởng đến công tác thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn và phương án đối phó khi dịch bệnh xảy ra.
Việc đăng ký kê khai hoạt động chăn nuôi là rất cần thiết vì đây là điều kiện được xem xét chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ “Có đăng ký kê khai ban đầu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và hộ nuôi trồng thủy sản hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có). Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian l5 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai. Các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện kê khai và được xác nhận ngay khi thực hiện nuôi trồng”. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của bản thân, người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Chăn nuôi.
Mô hình nuôi heo cái sinh sản theo hướng an toàn sinh học
trên địa bàn xã Tập Ngãi
Theo ông Trần Văn Quân - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: Hiện chúng ta chỉ tập trung vào hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi mà chưa tuyên truyền sâu rộng về những quy định của Luật Chăn nuôi. Để thực hiện hiệu quả Luật Chăn nuôi, nâng cao nhận thức của người dân trong kê khai hoạt động chăn nuôi, thời gian tới Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền sâu rộng về Luật Chăn nuôi và hướng dẫn việc quản lý kê khai hoạt động chăn nuôi trên địa bàn huyện. Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tăng cường tổ chức tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, các hộ sản xuất trên địa bàn thực hiện đúng quy định về kê khai hoạt động chăn nuôi để thực hiện tốt việc quản lý hoạt động chăn nuôi và phải đăng ký kê khai ban đầu với Ủy ban nhân dân xã, thị trấn để được kiểm tra, xác nhận (hoặc được cấp sổ chăn nuôi) nhằm đảm bảo đủ các điều kiện được xem xét hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh./.
Bài, ảnh: Bảo Yến