Tiểu Cần: Xây dựng Mô hình liên kết sản xuất lúa thương phẩm

          Để từng bước giúp người dân chuyển đổi dần sang sử dụng lúa giống cho năng suất, sản lượng cao và đạt chất lượng theo hướng phát triển ổn định bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xuất khẩu; Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần triển khai thực hiện Mô hình liên kết sản xuất lúa thương phẩm vụ Thu Đông năm 2023 trên địa bàn huyện Tiểu Cần từ nguồn vốn hỗ trợ đất trồng lúa theo Nghị định số 62 của Chính phủ.

 

Giao nhận lúa giống trên địa bàn các xã, thị trấn

         Theo đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần đã hỗ trợ 104,37 tấn lúa giống cho 471 lượt hộ dân trên địa bàn các xã: Hiếu Tử, Hiếu Trung, Hùng Hòa, Tập Ngãi, Ngãi Hùng và thị trấn Tiểu Cần, với tổng diện tích 1.043,7 ha. Gồm các loại giống: OM 18, OM 4900, OM 5451 và Đài thơm 8 với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% tương đương 0,783 tỷ đồng, 50% còn lại do hộ dân đối ứng.

Kiểm tra chất lượng lúa giống

         Để mô hình đạt hiệu quả cao, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã khuyến cáo người dân nên áp dụng đúng qui trình kỹ thuật sản xuất lúa thương phẩm từ khâu chọn giống, làm đất, gieo sạ, chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại đến thu hoạch thực hiện liên kết sản xuất tạo ra vùng nguyên liệu lớn, nâng cao giá trị hạt lúa và đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

         Mô hình được tổ chức thực hiện theo hướng sản xuất tập trung cùng loại giống và quy trình sản xuất, đó cũng là những điều kiện tốt cho người dân hợp tác trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời định hướng người dân chuyển dần sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, cải thiện hệ sinh thái đồng ruộng, bảo vệ môi trường nông thôn./.

 Tin, ảnh: Bảo Yến

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 17
  • Hôm nay: 5342
  • Trong tuần: 61,507
  • Tất cả: 4,903,979