Tiểu Cần: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao năng suất, sản lượng vụ lúa Ðông Xuân 2022 - 2023
           Nhằm bảo đảm năng suất và sản lượng vụ lúa Ðông Xuân năm 2022 - 2023 của huyện, hạn chế thấp nhất xâm nhập mặn và sâu bệnh giúp nông dân trên địa bàn an tâm canh tác, ngay từ đầu vụ, UBND huyện Tiểu Cần đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn thực hiện nhiều giải pháp với mong muốn đem lại một vụ mùa thắng lợi cho bà con nông dân.

 

         Vụ Đông Xuân là vụ sản xuất chính trong năm, bởi năng suất, chất lượng lúa thường đạt cao nhất, chiếm tỷ trọng lớn về giá trị sản xuất nông nghiệp cả năm của huyện. Tuy nhiên, vụ sản xuất này thường gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của hạn mặn và sâu bệnh gây hại làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất cuối vụ. Do vậy, để đảm bảo năng suất cho vụ này, UBND huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp chủ động thực hiện nạo vét các tuyến kênh cấp II, III trên địa bàn nhằm khai thông dòng chảy, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, phối hợp với Xí nghiệp Thủy nông thường xuyên theo dõi độ mặn, quản lý nguồn nước, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, ban hành lịch thời vụ và cơ cấu giống phù hợp, quản lý tốt tình hình sâu bệnh nhằm giúp nông dân có thể đạt năng suất và lợi nhuận cao. Bên cạnh, huyện còn chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn: trụt vớt lục bình, cỏ dại khơi thông dòng chảy trên các kênh thủy lợi nội đồng, chuẩn bị các phương tiện bơm tác; vận động người dân tu sửa bờ bao, cống bọng, nhằm ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ cho sản xuất.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần và các kỹ sư Tập đoàn Lộc Trời

trực tiếp thăm đồng để nắm bắt tình hình sâu bệnh gây hại trên cây lúa và hướng dẫn bà con cách phòng trị

         Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần, vụ Ðông Xuân năm 2022 - 2023, các địa phương tổ chức xuống giống đúng kế hoạch, tuân thủ lịch thời vụ. Theo đó, tổng diện tích xuống giống toàn huyện khoảng 10.562 hecta, đạt 99,93% kế hoạch, chủ yếu gieo sạ các giống lúa như: OM5451, OM18, OM4900, Đài thơm 8, ML202, còn lại các giống khác chiếm khoảng 15% tổng diện tích. Hiện nay các trà lúa tập trung chủ yếu ở giai đoạn đòng - trổ - chín, trong đó, giai đoạn trổ chín tập trung ở các xã Hiếu Tử, Hiếu Trung, Phú Cần, Long Thới, còn lại các xã Ngãi Hùng, Hùng Hòa, Tân Hùng, Tân Hòa, Tập Ngãi đang trong giai đoạn đòng trổ. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết lạnh cộng với sương mù nhiều kết hợp với nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng nên dễ xuất hiện các đối tượng gây hại. Do vậy Phòng đã chủ động thăm đồng thường xuyên để nắm bắt tình hình sâu bệnh và hướng dẫn người dân cách nhận biết các đối tượng sâu, bệnh và cách phòng trị, tránh làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.

         Ông Võ Quang Cường - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần cho biết: “Hiện nay, lúa tập trung ở giai đoạn đòng - trổ - chín, nông dân cần lưu ý một số đối tượng như: đạo ôn cổ bông cổ gié, lem lép hạt và vi khuẩn gây hại trên lúa, cần thăm đồng thường xuyên, để có giải pháp phòng trị đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, cần chú ý đối tượng rầy cánh phấn, đây là đối tượng không phải mới nhưng rất khó phát hiện, nếu phòng trị trễ thì hiệu quả sẽ không cao. Đồng thời, cần tập trung quan tâm đến việc quản lý nguồn nước để đảm bảo vụ lúa đạt năng suất cao. Ngoài ra, nông dân cần quản lý thêm đối tượng chuột gây hại, chú ý theo dõi và quản lý bằng nhiều biện pháp: biện pháp vật lý và cơ học như săn bắt, đặt bẫy để diệt chuột và biện pháp hóa học, nhưng chuột là động vật rất tinh ranh cho nên bà con cần thường xuyên thay đổi mồi mới mang lại hiệu quả. Lưu ý nghiêm cấm hành vi xiệt chuột dưới bất cứ hình thức nào nhằm tránh thiệt hại về người và tài sản cho bà con nông dân”.

UBND huyện chỉ đạo xây dựng công trình Cống ngăn mặn, trữ ngọt tại xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần

         Còn đối với tình hình nước mặn ở vụ Đông Xuân này, theo ông Nguyễn Văn Mới - Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông huyện Tiểu Cần thông tin: “UBND huyện đã ban hành công văn chỉ đạo tăng cường chăm sóc vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023, trên cơ sở đó Xí nghiệp cũng ban hành kế hoạch vận hành các cống đầu mối trên địa bàn huyện để đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất và dân sinh. Về điểm quan trắc cũng như công tác dự đoán, dự báo tình hình diễn biến độ mặn, phía công ty đã đầu tư một số điểm quan trắc tự động: cống Bắc Trang 01 trạm và cống Cần Chông 01 trạm và trạm bơm kênh 03/02 01 trạm. Ngoài ra, huyện cũng đầu tư 01 số hệ thống đo tự động tại cầu Tiểu Cần, trạm bơm Tân Hùng, trong cống và ngoài cống Cần Chông để kiểm soát độ mặn, phục vụ cho vụ lúa Đông Xuân trên địa bàn huyện cũng như góp phần kiểm soát tốt nguồn nước cho các huyện lân cận. Song song đó, Xí nghiệp Thủy nông huyện còn làm tốt công tác tham mưu cho UBND huyện có kế hoạch xây dựng một số hạng mục cống, bọng nhằm điều tiết nguồn nước; đồng thời, tham mưu xây dựng kế hoạch nạo vét các tuyến kênh cấp II trên địa bàn để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023 trên địa bàn”.

         Với sự quan tâm chỉ đạo của UBND huyện, hướng dẫn của các ngành, cơ quan chuyên môn cộng với khâu quản lý và chăm sóc của bà con nông dân, hy vọng vụ lúa Đông Xuân năm nay sẽ thu được thắng lợi, trúng mùa, được giá.

 Bài, ảnh: Minh Tâm

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement

 

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 191
  • Trong tuần: 5 068
  • Tất cả: 7261778
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TIỂU CẦN
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Tiểu Cần - Khóm 4, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh
- Chịu trách nhiệm chính:
1. Ông Lê Chí Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần, Trưởng Ban Biên tập Trang thông tin điện tử
2. Ông Trương Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, Phó Trưởng Ban Biên tập thường trực Trang thông tin điện tử
Điện thoại: 0294.3822070 - Fax: 0294.3612518. Email: tieucan@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "tieucan.travinh.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang