Tiểu Cần: Khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023
          Trên cơ sở Thông báo của Sở Nông nghiệp - PTNT và những dự báo bất lợi về diễn biến phức tạp của thời tiết, nước mặn xâm nhập vào những tháng cuối năm 2022; Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiểu Cần khuyến cáo bà con nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện chủ động xuống giống lúa Đông xuân 2022 - 2023 đúng theo lịch thời vụ.

 

Nông dân chủ động làm đất để đảm bảo kịp xuống giống vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023

         Theo kế hoạch sản xuất vụ lúa Đông Xuân năm nay, huyện Tiểu Cần sẽ xuống giống 10.570 ha. Thời gian xuống giống bắt đầu từ ngày 04/11/2022 đến ngày 30/12/2022; tập trung vào 02 đợt chính. Đợt 01, xuống giống từ ngày 04 - 25/11/2022, với diện tích 1.543 ha, gồm các xã: Hiếu Tử, Hiếu Trung; Tập Ngãi, Phú Cần, Tân Hùng và Tân Hòa. Đợt 02, xuống giống từ ngày 05 - 30/12/2022, với diện tích 9.027 ha, bao gồm: Thị trấn Tiểu Cần, Hiếu Tử, Hiếu Trung, Tập Ngãi, Ngãi Hùng, Phú Cần, Long Thới, Tân Hùng, Tân Hòa và Hùng Hòa. Tùy vào điều kiện thực tế của từng địa phương có thể bố trí lịch xuống giống cho phù hợp nhưng phải đảm bảo xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng để tránh sâu bệnh gây hại. Trong vụ này, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nên ưu tiên sử dụng các giống lúa cấp xác nhận và bộ giống chủ lực, như: OM 5451, OM 18, OM 4900, Đài Thơm 8 hoặc nhóm giống lúa OM 429, RVT. Riêng nhóm giống lúa IR 50404, ML 202, Siêu Hàm Trâu có thể duy trì sản xuất nhưng không nên vượt quá 20% diện tích.

Sạ hàng là một trong những phương pháp tiết kiệm giống hữu hiệu

được nông dân nhiều địa phương áp dụng

         Trước khi gieo sạ, bà con nên thực hiện tốt công tác vệ sinh đồng ruộng ít nhất 2 tuần; đồng thời sử dụng nấm Trichoderma hoặc các chế phẩm sinh học để phân hủy rơm rạ nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ. Bà con có thể bón lót vôi, phân lân hoặc những loại phân có chứa nhiều Silic giúp cho cây lúa có khả năng chống chịu được điều kiện bất lợi của thời tiết và một số dịch hại khác. Bà con nên áp dụng các biện pháp sạ hàng, sạ thưa, với lượng giống sử dụng không vượt 120 kg/ha. Sau khi gieo sạ bà con nên thăm đồng thường xuyên để theo dõi diễn biến sâu bệnh. Chú ý các đối tượng gây hại chính có thể xuất hiện trong vụ Đông Xuân như bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, cháy bìa lá, sọc trong, thối thân, rễ; nhện gié; chuột, không để cây lúa bị gây hại, mất sức sẽ kéo dài thời gian sinh trưởng và giảm năng suất sau thu hoạch.

Cống Cần Chông là công trình thủy lợi quan trọng trong việc ngăn mặn, trữ ngọt,

điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản của huyện

         Một điểm cần lưu ý là trong quá trình sản xuất, bà con nên phối hợp với các hộ lân cận sử dụng chung các giống lúa có cùng thời gian sinh trưởng để thuận lợi trong việc chăm sóc, quản lý nguồn nước, sâu bệnh; đặc biệt là thuận lợi trong việc thu hoạch đồng loạt, bán tập trung, tránh bị thương lái ép giá.

 Tin, ảnh: Chí Bảo

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement

 

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 65
  • Trong tuần: 4 942
  • Tất cả: 7261652
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TIỂU CẦN
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Tiểu Cần - Khóm 4, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh
- Chịu trách nhiệm chính:
1. Ông Lê Chí Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần, Trưởng Ban Biên tập Trang thông tin điện tử
2. Ông Trương Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, Phó Trưởng Ban Biên tập thường trực Trang thông tin điện tử
Điện thoại: 0294.3822070 - Fax: 0294.3612518. Email: tieucan@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "tieucan.travinh.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang