Tiểu Cần: Khuyến cáo phòng trị Rầy phấn trắng hại lúa
         Rầy phấn trắng là đối tượng dịch hại mới có khả năng làm ảnh hưởng nghiêm trọng trên cây lúa cả về năng suất lẫn chất lượng. Hiện nay thời tiết khô nóng đan xen mưa là điều kiện thuận lợi để rầy phấn trắng sinh trưởng, phát triển và gây hại trên diện rộng.

 

Cây lúa bị nhiễm rầy phấn trắng

         Rầy phấn trắng có kích thước rất nhỏ (trung bình dài 0,96 mm đối với con cái và 0,85 mm đối với con đực) và có hai cặp cánh màu trắng, khi đậu xếp cánh giống hình mái nhà. Thành trùng sống và đẻ trứng tập trung chủ yếu ở mặt dưới của phiến lá, nhưng khi mật số cao, chúng có thể đẻ ở mặt trên của phiến lá và cả trên bẹ lá. Thành trùng thường vũ hóa vào lúc xế chiều (từ khoảng 3 - 5 giờ chiều trong ngày). Đa số chúng bắt đầu đẻ trứng sau khi vũ hóa vài giờ, đôi khi sau mười đến hai mươi phút chúng cũng có thể bắt cặp và đẻ ngay.

Vòng đời phát triển của rầy phấn trắng

         Ấu trùng chích hút nhựa lá làm cho lá lúa bị úa vàng và héo dần đi. Nếu mật số cao, lá sẽ vàng, héo và cây sẽ chết nhanh; trên lá cũng xuất hiện nấm mốc và muội đen cản trở sự phát triển của cây, cây còi cọc và chết sớm. Một đặc điểm rất đặc trưng đó là trên cây lúa sẽ xuất hiện những lá bị xoắn lại một đoạn ở vị trí gần giữa phiến lá tính từ cổ lá, rất khác với triệu chứng xoắn lá của bệnh lùn xoắn lá do virus gây ra. Triệu chứng xoắn lá chỉ xuất hiện sau khi cây lúa bị rầy phấn trắng tấn công khoảng 2 tuần trở đi tùy mật số cao hay thấp. Nếu bị nhẹ, lá chỉ dợn sóng, còn bị nặng lá sẽ xoắn tít lại không thể quang hợp được. Nếu rầy phấn trắng tấn công ở giai đoạn cuối đẻ nhánh hoặc sắp có đòng thì lá bị xoắn có thể là lá đòng. Khi lá đòng bị xoắn tít lại bông sẽ không trổ thoát ra được hoặc nếu trổ được thì bông sẽ phát triển kém, ảnh hưởng đến chất lượng của hạt và năng suất.

         Qua kiểm tra thực tế ở một số diện tích sản xuất trong vụ lúa Hè Thu năm 2022 trên địa bàn huyện Tiểu Cần, cơ quan chuyên môn nhận thấy đã có sự xuất hiện của rầy phấn trắng nhưng ở mật số rất thấp và đã đưa ra một số khuyến cáo để nông dân chủ động phòng trừ loài dịch hại này trong thời gian tới là: Tập trung gieo sạ đồng loạt, không sạ dày và bón thừa đạm. Cần chú ý và thăm đồng thường xuyên nhất là vào giai đoạn mạ đến đẻ nhánh của những khu vực sử dụng giống lúa IR 50404 hoặc OM 4900 để phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Sau khi thu hoạch lúa, cần diệt sạch cỏ lồng vực, cỏ chỉ xung quanh ruộng để hạn chế nơi cư trú của rầy và tránh lây lan sang vụ kế tiếp. Hạn chế phun thuốc trừ sâu ở giai đoạn đầu của cây lúa để bảo tồn các loài thiên địch có lợi (bọ rùa, bọ xít mù xanh và kiến ba khoang…) giúp khống chế mật số rầy phấn trắng và cân bằng hệ sinh thái trên đồng ruộng. Sử dụng thuốc hóa học có các hoạt chất như: Abamectin, Emamectin, Pymetrozine, Fenobucarb, Thiamethoxam,… để diệt trừ rầy phấn trắng khi có mật số cao nhằm hạn chế tối đa việc lây lan ra phạm vi rộng.

Tin, ảnh: Phú Thành

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement

 

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 161
  • Trong tuần: 5 673
  • Tất cả: 7261034
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TIỂU CẦN
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Tiểu Cần - Khóm 4, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh
- Chịu trách nhiệm chính:
1. Ông Lê Chí Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần, Trưởng Ban Biên tập Trang thông tin điện tử
2. Ông Trương Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, Phó Trưởng Ban Biên tập thường trực Trang thông tin điện tử
Điện thoại: 0294.3822070 - Fax: 0294.3612518. Email: tieucan@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "tieucan.travinh.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang