Tiểu Cần: Thả ong ký sinh - giải pháp diệt sâu đầu đen hại dừa
        Ngày 25/5/2022, đại diện Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Công ty BETRIMEX) kết hợp Phòng Nông nghiệp và PTNT; chính quyền địa phương xã Tân Hòa tổ chức đợt thả ong mắt đỏ làm thiên địch để diệt sâu đầu đen gây hại dừa tại vườn dừa của một số hộ ở xã Tân Hòa. Ông Lê Văn Đông - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện tham dự.

         Theo đó, đợt này Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre đã hỗ trợ thả trên 01 triệu trứng ong mắt đỏ để diệt sâu đầu đen gây hại dừa cho 36 hộ dân tại xã Tân Hòa với diện tích trên 8,4 ha. Được biết vào tháng 9 năm 2021, trên địa bàn huyện Tiểu Cần xuất hiện sâu đầu đen gây hại trên dừa và được phát hiện đầu tiên tại ấp Cao Một, xã Tân Hòa. Đến nay sâu đầu đen đã gây hại trên 25 ha vườn dừa của hộ dân trên địa bàn xã Tân Hòa và Long Thới.

Ông Lê Văn Đông - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT;

ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện

khảo sát tình hình thả ong mắt đỏ tại vườn dừa

của một số hộ dân xã Tân Hòa

         Nhằm giúp bà con xã Tân Hòa, đặc biệt là những hộ trồng dừa thuộc vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre - đơn vị thu mua dừa hữu cơ ở xã Tân Hòa hỗ trợ 650 túi chứa trứng ong mắt đỏ, tương đương hơn 01 triệu trứng ong để bà con nông dân diệt sâu đầu đen. Theo đó, cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn cách bố trí túi chứa trứng ong để ong sinh trưởng, phát triển và tiêu diệt được sâu đầu đen trong vườn dừa của bà con. Mỗi hecte dừa, người dân bố trí 45 túi, tương đương 75.000 trứng ong trên thân cây, túi được treo cách mặt đất khoảng 1,5m để thuận tiện trong việc theo dõi.

         Ông Nguyễn Minh Luân  - Cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre lưu ý thêm một số vấn đề như: Không phun thuốc hóa học vì thuốc hóa học sẽ gây ra chết ong ký sinh, làm mất nguồn thiên địch cũng như tạo quần thể ong ký sinh; Thả ong đúng thời điểm để nó rũ hóa trên vườn dừa của bà con. Túi chứa trứng ong được treo trên cây dừa cần tránh con kiến vì kiến sẽ diệt trứng của con ong gây mất số lượng. Độ ẩm của môi trường, mưa nhiều gây ra phần nước đọng sẽ làm hư cái trứng và ong sẽ không có rũ hóa được.

         Được biết trước đó vào tháng 3 năm 2022, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre đã tập huấn cho bà con cách nhận biết và phòng trị sâu đầu đen, đồng thời đã hỗ trợ 500 túi, tương đương trên 800.000 trứng ong mắt đỏ để bà con thử nghiệm. Qua thời gian thả thử nghiệm ong mắt đỏ, nông dân xã Tân Hòa nhận thấy cây dừa có bước phục hồi và phát triển trở lại. Ông Cao Thanh Tú - Ấp Cao Một, xã Tân Hòa nhận xét: Gia đình có 5 công dừa, trước khi chưa bị sâu đầu đen gây hại, hàng tháng nhà tôi thu nhập bình quân cũng được 400 - 500 dừa (480 - 600 trái). Từ ngày sâu đầu đen tấn công gây thiệt hại giảm sản lượng trái trên 50%, có khi giảm đến 60 - 70%. Bây giờ hàng tháng chỉ bẻ được khoảng một trăm mấy hai trăm dừa. Mới đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ ong mắt đỏ từ Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre, đến nay vườn dừa đã phục hồi và phát triển.

Cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre

thông tin một số đặc điểm của Ong mắt đỏ

         Theo kế hoạch, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre sẽ hỗ trợ ong mắt đỏ cho các hộ dân xã Tân Hòa đến hết năm 2022. Cứ 01 tháng Công ty sẽ hỗ trợ 01 lần nhằm tạo quần thể ong ký sinh để cắt dần trứng sâu đầu đen. Được biết, sau khi trứng ong mắt đỏ nở, sẽ tự phát tán trong vườn dừa và sẽ đẻ trứng vào trứng của sâu đầu đen, sống ký sinh gây chết trứng sâu đầu đen và tạo ra các thế hệ ong mới trong tự nhiên; đồng thời giúp các thiên địch tại chỗ được bảo vệ và tăng mật số.

         Trước tình hình sâu đầu đen gây hại dừa trên địa bàn xã Tân Hòa và Long Thới, ông Võ Quang Cường - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiểu Cần cho biết: Đối với xã Tân Hòa đã tổ chức thả ong ký sinh (ong mắt đỏ) trên diện tích gây nhiễm, đợt 1 đã thả thử nghiệm để hướng dẫn bà con cách nhận diện cũng như phương pháp quản lý ong ký sinh trên đối tượng sâu đầu đen, đợt thứ 2 tiến hành thả vào ngày 25/5/2022 với số lượng 650 cái túi, tương đương khoảng 1 triệu đến 1,3 triệu con ong ký sinh để dập dịch sâu đầu đen. Theo kế hoạch, trong năm 2022 huyện sẽ phối hợp Công ty BETRIMEX Bến Tre tiến hành thả ong ký sinh 06 đợt, trong đó tổ chức đánh giá 04 đợt vào tháng 5, 6, 9, 10 để biết được khả năng diệt sâu đầu đen của ong mắt đỏ để cân chỉnh lượng ong thả cho phù hợp. Ngoài ra, còn tổ chức phun vi khuẩn Bacillus và thuốc đặc trị chiết xuất từ lính đốm đen để khống chế trên diện tích gây hại nặng vào tháng 6. Bên cạnh đó Phòng Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất với Công ty BETRIMEX Bến Tre thả ong trên địa bàn xã Long Thới để khống chế dịch được tốt hơn. Điều đáng lưu ý nhất, bà con tuyệt đối không phun thuốc bảo vệ thực vật trên diện tích đã thả ong ký sinh để tránh gây hại cho đàn ong và đạt hiệu quả không cao.

         Tính đến nay, huyện Tiểu Cần có diện tích trồng dừa khoảng 5.547 ha (trong đó diện tích trồng tập trung 4.075 ha và trồng phân tán 1.472 ha) phân bố hầu hết tại các địa phương. Theo số liệu thống kê, dừa được trồng nhiều nhất tại các xã Tân Hòa, Tập Ngãi, Ngãi Hùng, Hùng Hòa. Riêng tại xã Tân Hòa đã thành lập được mô hình trồng dừa hữu cơ với diện tích 221,56 ha. Bên cạnh đó, mô hình trồng dừa hữu cơ cũng được xây dựng trên địa bàn xã Tân Hùng, Tập Ngãi và Ngãi Hùng với tổng diện tích 245,54 ha. Hiện nay, huyện Tiểu Cần chỉ đạo ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân trên địa bàn huyện trồng dừa theo hướng hữu cơ nhằm hạn chế sâu bệnh, hạn chế sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật và hướng đến sản xuất an toàn. Đây cũng là xu hướng chung mà các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang hướng đến hiện nay./.

Bài, ảnh: Kiều Diễm - Chí Hẹn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement

 

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 157
  • Trong tuần: 2 738
  • Tất cả: 7263035
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TIỂU CẦN
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Tiểu Cần - Khóm 4, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh
- Chịu trách nhiệm chính:
1. Ông Lê Chí Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần, Trưởng Ban Biên tập Trang thông tin điện tử
2. Ông Trương Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, Phó Trưởng Ban Biên tập thường trực Trang thông tin điện tử
Điện thoại: 0294.3822070 - Fax: 0294.3612518. Email: tieucan@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "tieucan.travinh.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang