Tiểu Cần: Thu hoạch lúa Đông Xuân không như kỳ vọng
         Hiện nay bà con nông dân huyện Tiểu Cần đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân năm 2021 - 2022. Năng suất và sản lượng được đánh giá ở mức tương đương với vụ Đông Xuân năm trước, tuy nhiên, với hàng loạt chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… tăng cao nên bà con nông dân có lợi nhuận thấp, không được như kỳ vọng.

         Ông Võ Quang Cường - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Vụ lúa Đông Xuân này, nông dân trên địa bàn huyện Tiểu Cần đã xuống giống với tổng diện tích 11.279 ha, đạt 100,26% kế hoạch đề ra. Nông dân chủ yếu sử dụng các giống lúa chủ lực, kháng sâu bệnh như: OM 4900, OM 5451, Đài Thơm 8. Ngoài ra, một số nông dân còn sử dụng các giống khác như VNR 20, OM 18. Ngay từ đầu vụ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo nông dân xuống giống tuân thủ lịch thời vụ và thực hiện các biện pháp trong phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa, đồng thời phối hợp với Xí nghiệp Thủy nông huyện xây dựng kế hoạch vận hành các cống đầu mối trên địa bàn huyện nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất và dân sinh của người dân. Ngoài ra còn tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân. Nhờ vậy, năng suất vụ lúa Đông Xuân được đánh giá đạt theo kế hoạch đề ra.

Nông dân xã Phú Cần thu hoạch lúa vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022

         Đến thời điểm này, trên khắp các cánh đồng, lúa đã chín rộ, bà con nông dân đã thu hoạch được trên 50% diện tích (5.678 ha), tập trung nhiều nhất ở xã Hiếu Tử, Hiếu Trung, Phú Cần, Tập Ngãi. Năng suất ước đạt khoảng 6,22 tấn/ha so với diện tích đã thu hoạch, có một số diện tích năng suất đạt khoảng 6,5 - 7 tấn/ha, điển hình như ở xã Hiếu Tử, Hiếu Trung. Hầu hết bà con nông dân đều chủ động bán lúa tươi ngay tại ruộng, không xảy ra tình trạng tồn đọng. Phần lúa còn lại sẽ thu hoạch dứt điểm vào giữa tháng 4. Năng suất, sản lượng và giá lúa cũng được đánh giá tương đương với vụ Đông Xuân năm trước, hiện tại thương lái thu mua lúa tươi tại ruộng với giống lúa OM 4900 có giá dao động ở mức 5.800 - 5.900 đồng/kg, giống lúa OM 5451 dao động ở mức 5.600 - 5.950 đồng/kg, còn giống lúa Đài Thơm 8 dao động ở mức 5.700 - 6.000 đồng/kg (Tùy theo chất lượng và điều kiện vận chuyển). Tuy nhiên, với hàng loạt chi phí đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng, dầu,… tăng cao nên vụ lúa này bà con nông dân vẫn có lợi nhuận nhưng ở mức thấp, không được như kỳ vọng.

         Đến với cánh đồng mẫu lớn của ấp Lò Ngò, xã Hiếu Tử - xã có diện tích thu hoạch lúa Đông Xuân là 1.500 ha, được xem là cao nhất huyện so với thời điểm hiện tại. Ông Lâm Văn Trúng - người dân ấp Lò Ngò vừa thu hoạch 04 ha lúa của gia đình cho biết: Vụ lúa Đông Xuân này, gia đình gieo sạ giống lúa OM 4900, bán lúa tươi tại ruộng với giá bán 5.700 đồng/kg, trừ đi các khoản chi phí mỗi công chỉ lợi nhuận khoảng 2,5 triệu đồng, giảm khoảng 01 triệu đồng so với vụ Đông Xuân năm trước. Tương tự, ông Nguyễn Văn Bơi - người dân ấp Lò Ngò cũng cho biết: Vụ lúa Đông Xuân này, gia đình gieo sạ 05 ha giống lúa VNR20. Hiện tại đã thu hoạch và bán lúa tươi tại ruộng với giá bán 5.500 đồng/kg. Theo ông giống lúa VNR20 là giống lúa mới, ít người gieo sạ, giá bán lúa tươi của giống lúa này giảm 1.000 đồng so với vụ Đông Xuân năm trước, trong khi vụ này giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá xăng, dầu đều tăng cao, trừ chi phí mỗi công chỉ lợi nhuận khoảng 2,5 triệu đồng, lợi nhuận giảm khoảng 01 triệu đồng so với vụ Đông Xuân năm 2020 - 2021.

         Cũng cùng tâm trạng đó, ông Lê Quy Linh - người dân ấp Cây Gòn, xã Hiếu Trung cũng cho biết: Gia đình vừa thu hoạch 0,6 ha lúa, giống OM 5451, giá bán lúa tươi tại ruộng 5.950 đồng/kg. Chi phí cho 01 công là 1,6 triệu đồng, cao hơn vụ Đông Xuân năm trước khoảng 700 ngàn đồng, tính ra lợi nhuận khoảng 2,1 triệu đồng/công.

Trà lúa của nông dân xã Tân Hùng trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch

         Còn tại cánh đồng lớn của xã Tân Hùng, hiện trà lúa trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch, ông Thạch Thăng - người dân ấp Nhứt chia sẻ: Còn vài ngày nữa là đến thời gian thu hoạch 0,3 ha lúa của gia đình, thương lái hợp đồng thu mua lúa tươi tại ruộng với giá 6.000 đồng/kg đối với giống lúa Đài Thơm 8. Với giá này, theo tính toán thì lợi nhuận khoảng 02 triệu đồng/công, chỉ đủ chi phí để tái đầu tư vụ lúa Hè Thu sắp tới.

         Được biết, huyện Tiểu Cần có trên 19.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, phần lớn thu nhập chính của người dân dựa trên sản xuất lúa. Nông dân huyện Tiểu Cần canh tác 3 vụ lúa/năm, thông thường vụ lúa Đông Xuân được xem là vụ lúa ăn chắc vì thường cho năng suất cao nhất. Hầu hết nông dân đều mong đợi một vụ mùa bội thu để nâng cao thu nhập cho gia đình. Nhưng với tình trạng như hiện nay, sau khi thu hoạch lúa nông dân trên địa bàn huyện sẽ không đạt như kỳ vọng. Theo ngành chuyên môn cho biết, sau khi trừ hết các khoản chi phí bà con nông dân huyện Tiểu Cần giảm lợi nhuận từ 30 - 40% so vụ Đông Xuân năm 2020 - 2021.

         Ông Thạch Thăng cũng chia sẻ thêm: Thu nhập chính của gia đình từ sản xuất lúa, trong năm chỉ hi vọng vào vụ Đông Xuân để có được lợi nhuận cao, bù lại vụ Hè Thu và Thu Đông. Tuy nhiên, vụ này giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng quá cao, thậm chí giá xăng, dầu cũng tăng dẫn đến chi phí thuê phương tiện thu hoạch lúa tăng, nhân công lao động cũng tăng. Chi phí cho 01 công đất lên đến 02 triệu đồng, gần như gấp 1,5 lần so với vụ Đông Xuân năm trước. Với tình trạng như hiện tại, bà con nông dân có nguy cơ bỏ vụ vì canh tác lúa vất vả gần 4 tháng trời mà không có lợi nhuận cho gia đình. Mong nhà nước có chính sách bình ổn giá vật tư nông nghiệp, lúa được các doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn để người dân yên tâm sản xuất.

         Vụ lúa Hè Thu sản xuất trong điều kiện canh tác gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng xen kẽ, dự báo sâu bệnh sẽ phát sinh nhiều, bà con nông dân tốn nhiều chi phí trong phòng, trị sâu, bệnh hơn so với các vụ khác trong năm. Mặt khác trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp vẫn đang ở mức cao, để đảm bảo sản xuất lúa vụ Hè Thu đạt thắng lợi, ông Võ Quang Cường - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần khuyến cáo bà con nông dân cần thực hiện tốt công tác vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống ít nhất 02 tuần nhằm cải tạo đất, giúp đất tơi xốp, hạn chế được ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ và cắt đứt nguồn bệnh. Các địa phương chỉ đạo xuống giống tuân thủ theo đúng lịch thời vụ và đồng loạt, dứt điểm trên từng cánh đồng, không tự ý xuống giống ở những diện tích nằm ngoài quy hoạch. Sử dụng giống lúa chất lượng cao, phù hợp nhu cầu thị trường, thích hợp điều kiện đất đai từng khu vực như giống: OM 4900, OM 5451, Đài thơm 8,... vận động, tuyên truyền người dân áp dụng các biện pháp sạ hàng, sạ thưa, lượng giống sử dụng từ 120 - 150kg/ha.

         Bên cạnh đó, khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, bón phân cân đối giữa N-P-K, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, ưu tiên sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc sinh học,... kết hợp bổ sung thêm phân bón qua lá giúp cây lúa đẻ nhánh tốt, tăng cường sức đề kháng cho cây lúa ngay từ đầu vụ. Khuyến khích nông dân mạnh dạn áp dụng quy trình canh tác lúa theo phương pháp “1 phải, 5 giảm” (Phải sử dụng giống lúa cấp xác nhận hoặc nguyên chủng và giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch) và kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế). Bà con nông dân nên tận dụng các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp làm phân hữu cơ bón cho lúa để phát triển bền vững, ổn định; phun thuốc bảo vệ thực vật khi thật sự cần thiết và tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” (Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp),… Ngoài ra, bà con nông dân cũng cần quản lý tốt chế độ nước tưới phù hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa, nhằm giảm chi phí trong sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và mang lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân./.

Bài, ảnh: Kiều Diễm

image advertisement

 

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 37
  • Hôm nay: 265
  • Trong tuần: 36 943
  • Tất cả: 7215740
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TIỂU CẦN
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Tiểu Cần - Khóm 4, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh
- Chịu trách nhiệm chính:
1. Ông Lê Chí Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần, Trưởng Ban Biên tập Trang thông tin điện tử
2. Ông Trương Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, Phó Trưởng Ban Biên tập thường trực Trang thông tin điện tử
Điện thoại: 0294.3822070 - Fax: 0294.3612518. Email: tieucan@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "tieucan.travinh.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang