Sập nhà do lốc xoáy ở ấp Kinh, xã Hùng Hòa
Sạt lở bờ sông ấp Kinh, xã Hùng Hòa
Các loại hình thiên tai trên địa bàn huyện Tiểu Cần chủ yếu là bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy và mưa lớn, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông do triều cường và dòng chảy, hỏa hoạn từ các hộ gia đình do bất cẩn trong sinh hoạt khi thời tiết hanh khô. Theo số liệu báo cáo tổng kết công tác phòng, chống thiên tai của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong năm 2022 có 07 cơn bão, trong đó có 02 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp trên địa bàn huyện, lốc xoáy và mưa lớn làm thiệt hại 25 căn nhà của người dân, 05 trụ sở làm việc, 01 tiệm hớt tóc, 01 quán ăn, 01 nhà xe, 01 hàng rào, 06 chuồng trại chăn nuôi; ảnh hưởng đến năng suất lúa với diện tích 135 ha, 8,3 ha màu ước thiệt hại trên 01 tỷ đồng; ảnh hưởng của dòng chảy làm sạt lở 90m đê bao ước thiệt hại 312 triệu đồng.
Sụp lún đê bao thị trấn Cầu Quan
Để chủ động triển khai các kế hoạch, phương án phòng tránh, ứng phó hiệu quả nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân, giảm nhẹ thiệt hại do mưa, bão, thiên tai xảy ra, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Tiểu Cần hướng dẫn và đề nghị bà con nhân dân thực hiện một số biện pháp sau: Đối với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cần nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm, nghiêm túc xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, ứng phó kịp thời, hiệu quả với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra, luôn sẵn sàng, hợp đồng chặt chẽ, thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ”. Tăng cường nắm, theo dõi sát tình hình để đề xuất các chủ trương chỉ đạo kịp thời. Đối với hộ gia đình cần “Chủ động gia cố, chằng chống nhà cửa phòng khi thiên tai xảy ra”. Đồng thời, thực hiện một số biện pháp phòng chống và giảm nhẹ rủi ro đối với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn huyện như:
1. Biện pháp phòng, tránh sét
Tuyệt đối không ra đồng hoặc những nơi trống trải, không mang theo các dụng cụ bằng kim loại như cuốc, xẻng… ở những nơi trống trải lúc trời sắp mưa hoặc đang mưa. Không trú mưa dưới gốc cây ở khu vực trống hoặc ở gần đường dây điện, cột ăngten… Khi có mưa dông, nếu ở trong nhà thì nên đứng xa các đồ dùng truyền dẫn điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết. Rút phích cắm các thiết bị điện (và rút dây ăngten ra khỏi tivi…).
Sạt lở bờ sông thị trấn Cầu Quan
2. Biện pháp phòng tránh ứng phó sạt lở đất, do mưa hoặc dòng chảy
Thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở; Cắm biển cảnh báo nguy hiểm sạt lở, phân loại mức độ sạt lở; Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân sinh sống xung quanh biết và chủ động phòng, tránh; Thường xuyên kiểm tra và xử lý đối với những trường hợp vi phạm, lấn chiếm trái phép hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh, rạch và lập các bến bãi trái phép gây sạt lở trên địa bàn; Thường xuyên tổ chức kiểm tra các tuyến kè bảo vệ bờ sông để kịp thời phát hiện các vị trí xuống cấp, hư hỏng và có kế hoạch duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn công trình nhằm phát huy hiệu quả phòng, chống sạt lở, triều cường; Khẩn trương, kịp thời ứng cứu người, trục vớt tài sản và đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực xảy ra sạt lở; Tổ chức vận động di dời và hỗ trợ nhân dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi tạm cư an toàn; Tổ chức tốt lực lượng thường xuyên chốt chặn tại các vị trí đã xảy ra sạt lở, kiên quyết không để người dân quay lại khu vực sạt lở để di dời tài sản hoặc ở lại các căn nhà có nguy cơ tiếp tục sạt lở, bảo vệ tài sản của hộ dân sau khi đã di dời; Kịp thời cứu trợ các cá nhân, hộ gia đình bị thiệt hại sau thiên tai; Thống kê, đánh giá thiệt hại và đề xuất các biện pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống cho nhân dân.
3. Biện pháp phòng, chống ứng phó hạn, mặn và nắng nóng
Thông báo rộng rãi, kịp thời cho nhân dân biết về diễn biến thay đổi thời tiết, mức độ xâm nhập mặn, khuyến cáo người dân nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm, sản xuất nông nghiệp chủ động sử dụng nguồn nước phù hợp khi mặn tăng cao, áp dụng các biện pháp, kỹ thuật chữa cảm nắng, cảm nóng cho gia súc, gia cầm và đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi; Triển khai các biện pháp bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh, đặc biệt là cho trẻ em và người già; Thực hiện tiết kiệm nguồn nước để đề phòng hiện tượng mùa khô và hạn hán kéo dài; Tận dụng các đợt triều cường để lấy nước và trữ nước trên các trục kênh chính phục vụ sản xuất; Xây dựng kế hoạch sản xuất mùa vụ hợp lý, bố trí diện tích và cơ cấu thời vụ gieo trồng phù hợp với năng lực nguồn nước hiện có; Tăng cường công tác nạo vét, gia cố, duy tu sửa chữa hệ thống kênh tưới; Chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ cấp nước phòng, chống hạn khi cần thiết; Tổ chức vận hành các công trình thủy lợi, các cống lấy nước, trạm bơm nước tưới đảm bảo điều kiện các công trình thủy lợi vận hành tốt, cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất, hạn chế ô nhiễm nguồn nước.
4. Biện pháp phòng, tránh mưa lớn
Thường xuyên theo dõi thông tin về tình hình khí tượng, thủy văn, diễn biến mưa để chủ động phòng tránh, ứng phó; Tu bổ, gia cố và nâng cấp các cống, đập, bờ bao hư hỏng; Thông báo đến nhân dân để chủ động rà soát, kiểm tra các hạng mục công trình phòng, chống ngập úng, đề phòng tình trạng các bờ bao bị xói lở, sụp lún do mưa lớn dẫn đến nguy cơ gây bể bờ, tràn bờ vào thời điểm triều cường. Cần có phương án đề phòng mưa lớn kết hợp với chân triều rút sâu gây sạt lở; Địa phương có các trạm bơm, máy bơm chống ngập úng phải chuẩn bị sẵn sàng nhiên liệu, kiểm tra hệ thống điện để thực hiện bơm chống ngập úng; Khai thông các cống, rãnh thường xuyên bị tắc nghẽn đề phòng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn.
Ngoài ra, người dân cần lưu ý một số biện pháp phòng chống hỏa hoạn mùa nắng nóng như: Lắp đặt cầu dao, aptomat (cầu dao tự động) cho hệ thống điện; Không để các chất dễ gây cháy gần nguồn lửa; Tắt điện, ngắt cầu dao trước khi ra khỏi nhà; Trang bị bình chữa cháy xách tay, lắp đặt hệ thống cảnh báo; Trong thời tiết nắng nóng, hạn chế hoặc cấm việc đốt cháy như đốt rác hoặc cắt cỏ, tuân thủ các quy định cấm hút thuốc trong các khu vực dễ cháy; Kiểm tra và vệ sinh định kỳ các hệ thống báo cháy, bình chữa cháy và các thiết bị phòng cháy chữa cháy khác; Khi phát hiện có hỏa hoạn thông báo ngay cho những người xung quanh; Gọi 114; Thoát khỏi đám cháy theo các đường hành lang, cầu thang bộ, mái nhà và ban công ở tầng thấp; Đi khom lưng hoặc bò trên đường di chuyển để thoát khỏi đám cháy; Đóng các cửa trên đường di chuyển để tránh lửa lan rộng ra; Không mở cửa để thoát hiểm nếu thấy cửa nóng hoặc ấm; Nằm xuống sàn nhà cách nơi khói tràn vào càng xa càng tốt; Dùng khăn thấm nước che mặt, che người; Đóng hết các cửa lớn và cửa sổ để cô lập đám cháy; Khi bị bén lửa nằm ngay xuống đất và lăn qua lăn lại để dập tắt lửa và thoát ra khỏi nơi nguy hiểm.
Bài, ảnh: Bảo Yến